8 điểm mới quan trọng về Giấy phép lao động có hiệu lực kể từ ngày 18/9/2023
Kể từ ngày 18/9/2023 hàng loạt các quy định mới quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam sẽ chính thức có hiệu lực. Nội dung cụ thể được ghi nhận tại Nghị định 70/2023/NĐ-CP, theo đó Nghị định 70 sẽ sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số nội dung của Nghị định 152/2020/NĐ-CP. Chính vì vậy, với các doanh nghiệp đang sử dụng lao động nước ngoài hoặc có kế hoạch tuyển dụng sẽ cần phải lưu ý để đáp ứng được các quy định của nghị định mới, cũng như chuẩn bị được hồ sơ đúng với yêu cầu của cơ quan cấp phép .
Thông tin về các quy định mới sẽ được chúng tôi chia sẻ cụ thể tại bài viết này, và các biểu mẫu sẽ được đính kèm tại cuối bài viết.
1. Thay đổi quy định về xác định Chuyên gia nước ngoài
Đối với vị trí chuyên gia
Trước đây theo quy định cũ, tiêu chí xác định Chuyên gia là người lao động nước ngoài khi có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam;
Hiện nay quy định này đã có sự thay đổi, theo đó yêu cầu về việc đã có kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo đã được thay thế bởi quy định có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam, mà không yêu cầu có kinh nghiệm theo đúng chuyên ngành được đào tạo ghi nhận tại các chứng chỉ, bằng cấp.
Đối với vị trí là lao động kỹ thuật
Tương tự như vị trí chuyên gia nêu trên, tiêu chí để xác định lao động kỹ thuật được xác định dựa trên việc việc người lao động nước ngoài: (i) Được đào tạo ít nhất 1 năm và (ii) có ít nhất 3 năm kinh nghiệm phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam. Thay vì phải đáp ứng điều kiện về làm việc ít nhất 03 năm theo đúng chuyên ngành đã được đào tạo như quy định cũ.
Việc thay đổi cách hiểu về các vị trí chuyên gia, lao động kỹ thuật tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như người lao động nước ngoài khi đi chứng minh kinh nghiệm của người lao động tương ứng với từng vị trí dự kiến tuyển.
Giám đốc điều hành
Theo định nghĩa của quy định trước đây, thì Giám đốc điều hành được hiểu là người đứng đầu và trực tiếp điều hành đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Quy định mới hiện nay đã xác định một cách rõ ràng giám đốc điều hành là người thuộc một trong các trường hợp: (i) Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp, (ii) Người đứng đầu và trực tiếp điều hành ít nhất một lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Việc điều chỉnh cách hiểu và xác định những vị trí nào được xem là Giám đôc điều hành như quy định mới hiện tại sẽ tạo ra sự linh hoạt cũng như thuận lợi cho doanh nghiệp. Bởi trên thực tế thì cơ cấu nhân sự của mỗi doanh nghiệp là khác nhau, theo đó tại một số doanh nghiệp đa quốc gia thì bên cạnh người đứng đầu doanh nghiệp với tư cách người đại diện pháp luật, doanh nghiệp cũng có nhiều vị trí giám đốc điều hành cho từng lĩnh vực khác nhau.
2. Thay đổi về “Xác định nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài”
Xác định nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài, đây là bước đầu tiên trong trình tự thủ tục xin Giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc trường hợp cấp giấy phép lao động.
Theo quy định cũ trước đây, hồ sơ xác định nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài phải nộp trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng lao động nước ngoài và báo cáo giải trình cho Bộ lao động – Thương binh và xã hội hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tùy từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên nghị định mới đã có sự điều chỉnh, theo đó thời gian 30 ngày đã được rút ngắn xuống còn 15 ngày, cũng như cơ quan có thẩm quyền quyết định là Bộ Lao động – Thương binh và xã hội hoặc Sở lao động – Thương binh và xã hội tùy từng trường hợp.
Bên cạnh đó Trong quá trình thực hiện, nếu thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài về vị trí, chức danh công việc, hình thức làm việc, số lượng, địa điểm thì doanh nghiệp phải báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trước ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, thời gian này rút ngắn so với quy định cũ là 30 ngày.
3. Thông báo tuyển dụng người lao động
Một quy định mới mà chúng tôi cho rằng đặc biệt quan trọng, các bộ phận quản lý nhân sự của doanh nghiệp cần chú ý, bởi kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2024, việc thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng người lao động nước ngoài được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm) hoặc Cổng thông tin điện tử của Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập trong thời gian ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến báo cáo giải trình với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.
Nội dung thông báo tuyển dụng bao gồm: vị trí và chức danh công việc, mô tả công việc, số lượng, yêu cầu về trình độ, kinh nghiệm, mức lương, thời gian và địa điểm làm việc. Sau khi không tuyển được người lao động Việt Nam vào các vị ví tuyển dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài theo quy định như đã đề cập tại Mục 2 ở trên.
4. Bổ sung thêm nghĩa vụ báo cáo
Bên cạnh các nghĩa vụ báo cáo định kỳ 6 tháng đầu năm, báo cáo hằng năm, thì theo quy định mới, doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài sẽ có thêm nghĩa vụ báo cáo thông qua hình thức trực tuyến về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài đến làm việc. Việc báo cáo này sẽ áp dụng trong trường hợp người lao động nước ngoài làm việc cho một người sử dụng lao động tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Doanh nghiệp bắt buộc thực hiện nghĩa vụ báo cáo trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày người lao động nước ngoài bắt đầu làm việc.
5. Sửa đổi một số trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động
Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, quy định cũ chỉ ghi nhận trường hợp người lao động nước ngoài “Được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cử sang Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu tại trường quốc tế thuộc quản lý của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc Liên hợp quốc; các cơ sở, tổ chức được thành lập theo các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.” Hiện tại quy định mới tại NĐ 70/2023/NĐ-CP đã bổ sung thêm trường hợp người lao động nước ngoài được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cử sang Việt Nam giảng dạy hoặc làm nhà quản lý, giám đốc điều hành tại các tổ chức nêu trên cũng thuộc trường hợp không phải xin cấp giấy phép lao động.
Tương tự như vậy, NĐ 70/2023/NĐ-CP bổ sung thêm trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận vào Việt Nam để đảm nhận vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cơ sở giáo dục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức liên chính phủ đề nghị thành lập tại Việt Nam.
6. Bổ sung quy định về tài liệu chứng minh là nhà quản lý, Giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật
Đối với nhà quản lý, Giám đốc điều hành: quy định cũ chỉ ghi nhận chung chung về giấy tờ chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, tuy nhiên không có hướng dẫn chi tiết, điều này dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện cũng như sự hiểu và áp dụng không thống nhất từ phía cơ quan cấp phép.
Hiện nay quy định mới đã ghi nhận chi tiết theo hướng liệt kê các tài liệu được xem là tài liệu chứng minh được tư cách là nhà quản lý, giám đốc điều hành, cụ thể:
- Điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp;
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận thành lập hoặc quyết định thành lập hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương;
- Nghị quyết hoặc Quyết định bổ nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Đối với vị trí chuyên gia, lao động kỹ thuật: theo đó hiện nay quy định mới đã liệt kê rõ các tài liệu được xem là giấy tờ chứng minh chuyên gia, lao động kỹ thuật sẽ gồm:
- Văn bằng hoặc chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận;
- Văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài về số năm kinh nghiệm của chuyên gia, lao động kỹ thuật hoặc giấy phép lao động đã được cấp hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã được cấp.”.
7. Bổ sung thêm trường hợp phải cấp lại Giấy phép lao động
Theo quy định cũ khi có thay đổi họ và lên, quốc tịch, số hộ chiếu, địa điểm làm việc ghi trong giấy phép lao động còn thời hạn, thì doanh nghiệp phải thực hiện xin cấp lại giấy phép lao động. Hiện nay quy định mới đã bổ sung thêm trường hợp doanh nghiệp có đổi tên mà không thay đổi mã số doanh nghiệp ghi trong giấy phép lao động thì cũng thuộc trường hợp phải cấp lại Giấy phép lao động.
8. Bãi bỏ quyền hạn cấp phép của Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế
Theo đó kể từ ngày 18/9/2023, ngày nghị định mới có hiệu lực thi hành thì việc cấp mới, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy phép lao động và xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế sẽ không còn thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. Tất cả hồ sơ liên quan đến người lao động nước ngoài sẽ được giải quyết bởi Bộ Lao động – Thương binh và xã hội hoặc Sở lao động – Thương binh và xã hội tùy từng trường hợp.
Ngoài các điểm mới quan trọng nêu trên, Nghị định 70/2023/NĐ-CP cũng điều chỉnh thêm một số nội dung liên quan đến thể thức bản sao đối với hộ chiếu, các tài liệu chứng minh cho một số vị trí mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc, cũng như hướng dẫn cách thức thực hiện đối với một số hồ sơ liên quan đến Giấy phép lao động đã được nộp trước thời điểm NĐ 70/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.
Thời gian viết bài: 21/09/2023
Bài viết ghi nhận thông tin chung có giá trị tham khảo, trường hợp bạn mong muốn nhận ý kiến pháp lý liên quan đến các vấn đề mà bạn đang vướng mắc, bạn vui lòng liên hệ với Luật sư của chúng tôi theo email info@cdlaf.vn
Vì sao chọn dịch vụ CDLAF
- Chúng tôi cung cấp đến bạn giải pháp pháp lý hiệu quả và toàn diện, giúp bạn tiết kiệm ngân sách, duy trì sự tuân thủ trong doanh nghiệp;
- Chúng tôi tiếp tục duy trì việc theo dõi vấn đề pháp lý của bạn ngay cả khi dịch vụ đã hoàn thành và cập nhật đến bạn khi có bất kỳ sự thay đổi nào từ hệ thống pháp luật Việt Nam;
- Hệ thống biểu mẫu về doanh nghiệp, đầu tư được xây dựng và cập nhật liên tục sẽ cung cấp khi khách hàng yêu cầu, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục;
- Doanh nghiệp cập nhật kịp thời các chính sách và phương thức làm việc tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Đội ngũ Luật sư của CDLAF nhiều năm kinh nghiệm hoạt động tại lĩnh vực Lao động, Doanh nghiệp, Đầu tư cùng với các cố vấn nhân sự, tài chính;
- Quy trình bảo mật thông tin nghiêm ngặt trong suốt quá trình thực hiện dịch vụ và ngay cả khi dịch vụ được hoàn thành sau đó;
Bạn có thể tham thảo thêm:
- Chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài
- Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi sa thải người lao động
- Các điều kiện mà nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý khi thực hiện đầu tư tại Việt Nam
- Mở thủ tục phá sản, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp và chủ nợ
- Công ty mẹ, Công ty con và những điều cần lưu ý
- Những quy định mới nhất về khoản vay nước ngoài 2023