Các điều kiện mà nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng khi thực hiện đầu tư tại Việt Nam

Ngày cập nhật: July 25 , 2023

Các điều kiện mà nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng khi thực hiện đầu tư tại Việt Nam

Nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của một quốc gia, mang đến nguồn vốn, công nghệ tiên tiến và cơ hội việc làm cho người dân. Tuy nhiên, việc đầu tư vào một quốc gia đòi hỏi nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng một loạt các điều kiện quan trọng. Việc tuân thủ đúng các điều kiện sẽ đảm bảo sự an toàn pháp lý và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về điều kiện mà nhà đầu tư phải tuân thủ khi đầu tư tại Việt Nam.

Source: pexels-francisco-valerio-trujillo

1. Điều kiện tiếp cận thị trường

Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng để đầu tư trong các ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật đầu tư (Khoản 10 Điều 3 Luật Đầu tư 2020).

Ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và hạn chế về tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề đó được quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư. (Khoản 1 Điều 15 Nghị định 31/2021/NĐ-CP).

Các điều kiện tiếp cận thị trường áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ được ghi nhận tại các văn bản như:

  • Các hiệp định đầu tư song phương (BIT): Việt Nam hiện ký hơn 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương với các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới;
  • Các hiệp định thương mại song phương trong đó có chương đầu tư như Hiệp định đối tác toàn diện Việt Nam – Nhật Bản, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU…
  • Các hiệp định đa phương có quy định về đầu tư như Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN, Hiệp định CPTPP, Hiệp định Đối tác kinh tế ASEAN – Nhật Bản…

Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm:

  • Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế:

Nhà đầu tư nước ngoài không được sở hữu vốn điều lệ tại doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, việc xác định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thực hiện như sau:

    • Trường hợp luật, nghị quyết, pháp lệnh, nghị định và điều ước có quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp thực hiện theo tỷ lệ này.
    • Trường hợp luật, nghị quyết, pháp lệnh, nghị định và điều ước không quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp và phải bảo đảm các điều kiện khác quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 3 Điều 9 Luật Đầu tư (nếu có).
    • Đối với ngành nghề không thuộc Danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
    • Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp hoạt động trên thị trường chứng khoán thực hiện theo quy định của Luật Chứng khoán.
  • Phạm vi hoạt động đầu tư: không chỉ giới hạn ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp mà còn được kinh doanh các ngành, nghề khác nếu pháp luật không cấm.

Ngoại lệ: phạm vi hoạt động đầu tư bị giới hạn bởi pháp luật chuyên ngành có quy định tên tổ chức kinh tế phải gắn với phạm vi hoạt động của doanh nghiệp, ví dụ như các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, luật, tư vấn, cơ sở khám chữa bệnh…

  • Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư: Đây là điều kiện về năng lực tài chính và kinh nghiệm của nhà đầu tư đối với các ngành, nghề dự kiến kinh doanh tại Việt Nam. Theo đó, trong hồ sơ đăng ký đầu tư, nhà đầu tư sẽ giải trình về khả năng thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam để cơ quan đăng ký đầu tư có cơ sở xem xét chấp thuận.
  • Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Điều kiện riêng đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện

Tuỳ thuộc vào từng ngành, nghề tại Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020) mà nhà đầu tư dự kiến kinh doanh, nhà đầu tư cần đáp ứng các điều kiện riêng để được hoạt động các ngành nghề này trên thực tế:

  • Điều kiện về vốn: Một số ngành nghề có yêu cầu mức vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật để thành lập doanh nghiệp. Ví dụ: Kinh doanh dịch vụ cho thuê lại lao động là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo mục 70 Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020. Theo đó tại Điều 21 Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động về điều kiện lao động, quan hệ lao động thì Doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 đồng (hai tỷ đồng).
  • Điều kiện về giấy phép con
  • Giấy phép con là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp. Để thực hiện những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép chứng nhận doanh nghiệp đã đáp ứng đủ điều kiện được quy định theo pháp luật để kinh doanh ngành nghề đó là Giấy phép con.
  • Điều kiện về địa điểm, cơ sở vật chất, trang thiết bị

Ví dụ: kinh doanh dịch vụ karaoke phải có diện tích sử dụng từ 20m² trở lên, không kể công trình phụ, đảm bảo điều kiện về cách âm, phòng, chống cháy nổ. Cửa phòng karaoke phải là cửa kính không màu, bên ngoài nhìn thấy toàn bộ phòng. Không được đặt khóa, chốt cửa bên trong hoặc đặt thiết bị báo động để đối phó với hoạt động kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.Địa điểm hoạt động karaoke phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử – văn hóa, cơ quan hành chính nhà nước từ 200m trở lên…

3. Điều kiện khác

Ngoài các điều kiện nêu trên, để thực hiện đầu tư tại Việt Nam, Nhà đầu tư sẽ cần đáp ứng các điều kiện về: Sử dụng đất đai, lao động; các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản; Sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ công hoặc hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước; Sở hữu, kinh doanh nhà ở, bất động sản; Áp dụng các hình thức hỗ trợ, trợ cấp của Nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực hoặc phát triển vùng, địa bàn lãnh thổ; Các điều kiện khác theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư có quy định không cho phép hoặc hạn chế tiếp cận thị trường đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Như vậy, để có thể đạt được những lợi ích lâu dài và thành công trong việc đầu tư vào một quốc gia, nhà đầu tư nước ngoài cần phải đáp ứng một loạt các điều kiện quan trọng. Những yếu tố này không chỉ mang tính cơ bản mà còn đóng vai trò quyết định đối với sự thành công của dự án đầu tư và sự phát triển kinh tế của quốc gia tiếp nhận.

Thời gian viết bài: 24/07/2023

Bài viết ghi nhận thông tin chung có giá trị tham khảo, trường hợp bạn mong muốn nhận ý kiến pháp lý liên quan đến các vấn đề mà bạn đang vướng mắc, bạn vui lòng liên hệ với Luật sư của chúng tôi theo email info@cdlaf.vn

Vì sao chọn dịch vụ CDLAF

  • Chúng tôi cung cấp đến bạn giải pháp pháp lý hiệu quả và toàn diện, giúp bạn tiết kiệm ngân sách, duy trì sự tuân thủ trong doanh nghiệp;
  • Chúng tôi tiếp tục duy trì việc theo dõi vấn đề pháp lý của bạn ngay cả khi dịch vụ đã hoàn thành và cập nhật đến bạn khi có bất kỳ sự thay đổi nào từ hệ thống pháp luật Việt Nam;
  • Hệ thống biểu mẫu về doanh nghiệp, đầu tư được xây dựng và cập nhật liên tục sẽ cung cấp khi khách hàng yêu cầu, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục;
  • Doanh nghiệp cập nhật kịp thời các chính sách và phương thức làm việc tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Đội ngũ Luật sư của CDLAF nhiều năm kinh nghiệm hoạt động tại lĩnh vực Lao động, Doanh nghiệp, Đầu tư cùng với các cố vấn nhân sự, tài chính;
  • Quy trình bảo mật thông tin nghiêm ngặt trong suốt quá trình thực hiện dịch vụ và ngay cả khi dịch vụ được hoàn thành sau đó;

Bạn có thể tham thảo thêm:

    GỬI YÊU CẦU TƯ VẤN