Chuyển giá và Giao dịch Liên kết theo quy định Pháp luật tại Việt Nam

Ngày cập nhật: August 24 , 2023

Chuyển giá và Giao dịch Liên kết theo quy định Pháp luật tại Việt Nam

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và sự phát triển không ngừng của các hoạt động thương mại quốc tế, việc quản lý giao dịch liên kết đã trở thành một vấn đề đầy thách thức đối với hầu hết các nền kinh tế, bao gồm cả Việt Nam. Chính vì vậy các quy định pháp luật của Việt Nam được xây dựng và điều chỉnh từng thời kỳ để có thể điều chỉnh được các mối quan hệ kinh tế, lợi ích giữa các bên cũng như đảm bảo được lợi ích của chính quốc gia.

Source: AdobeStock

Trong phạm vi của bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về quy định pháp luật tại Việt Nam về giao dịch liên kết, các hành vi bị xem là chuyển giá, cũng như mối quan hệ nào bị xem là quan hệ liên kết.

1. Chuyển giá và mối quan hệ từ các giao dịch liên kết

Chuyển giá là thuật ngữ được nhắc đến trong mối quan hệ giữa các bên có giao dịch liên kết, và được dùng để giải thích cho hành động của doanh nghiệp trong việc áp dụng nhiều hình thức khác nhau để tối đa hóa lợi nhuận, giảm bớt các khoản thuế, nghĩa vụ tài chính phải thực hiện đối với quốc gia mà doanh nghiệp đang hoạt động. Hay nói một cách khác là việc các công ty đa quốc gia thực hiện các hành động thương mại để hưởng những nhữnng ưu đãi về thuế, thuận lợi từ sự khác biệt về thuế suất, hợp thức hóa các hoạt động chuyển tiền dưới các hình thức giao dịch thương mại mà pháp luật không cấm để tối đa hóa lợi nhuận.

Giao dịch giữa các công ty có mối quan hệ liên kết không bị pháp luật cấm, đó là giao dịch thương mại thông thường, tuy nhiên chính các yếu tố về giá cả, các điều kiện thuận lợi được ghi nhận trong hợp đồng mới là những điều mà các bên trong mối quan hệ liên kết cần chú ý, để đảm bảo rằng giao dịch của doanh nghiệp không bị phía cơ quan thuế cho rằng đang được thực hiện để che đậy cho hành vi chuyển giá.

Trên thực tế, hành động chuyển giá thường được thực hiện ẩn danh thông qua các giao dịch thương mại sau:

  • Xác lập các hợp đồng mua bán nguyên vật liệu, cung ứng dịch vụ, môi giới, truyền thông… giữa các doanh nghiệp có mối quan hệ liên kết, trong đó giá mua bán, cung ứng dịch vụ, mức hoa hồng… được nâng cao hơn so với thị trường. Đặc biệt đối với trường hợp hợp đồng về dịch vụ thì thực tế sẽ khó để kiểm soát được rằng giữa các bên có phát sinh hoạt động cung ứng dịch vụ hay không. Một trường hợp khác mà phía cơ quan thuế khó kiểm soát đó là việc chuyển hàng hóa, dịch vụ qua một doanh nghiệp thứ 3 để ẩn đi mối quan hệ liên kết giữa các doanh nghiệp ban đầu.
  • Xác lập hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng, quyền sở hữu các tài sản vô hình, trong đó giá trị của tài sản vô hình được đẩy lên cao so với với thực tế;
  • Chuyển việc chi trả chi phí nhân sự cấp cao, chi phí vận hành, đào tạo nước ngoài về cho phía các doanh nghiệp có mối quan hệ liên kết, và thông thường sẽ là các doanh nghiệp tại các quốc gia có nền kinh tế trẻ, đang phát triển.
  • Xác lập các hợp đồng vay giữa các doanh nghiệp có mối quan hệ liên kết với nhau.

Và một điều mà thường thấy tại các doanh nghiệp bị xem là có giao dịch chuyển giá đó là trong các báo cáo tài chính thì phần lợi nhuận khá thấp hoặc báo cáo lỗ liên tục. Để kiểm soát, phía cơ quan quản lý thuế tại Việt Nam sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra đối với giá giao dịch liên kết của người nộp thuế theo nguyên tắc giao dịch độc lập và bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế tương ứng với giá trị tạo ra từ bản chất giao dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế, không công nhận các giao dịch liên kết không theo nguyên tắc giao dịch độc lập làm giảm nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp với ngân sách nhà nước và thực hiện điều chỉnh giá giao dịch liên kết đó để xác định đúng nghĩa vụ thuế.

2. Như thế nào thì được xem là có mối quan hệ liên kết

(1) Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các doanh nghiệp bị xem là có quan hệ liên kết khi thuộc một trong các trường hợp:

  • Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia;
  • Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.

(2) Các bên liên kết tại khoản 1 điều này được quy định cụ thể như sau:

  • Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia;
  • Cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp;
  • Một doanh nghiệp là cổ đông lớn nhất về vốn góp của chủ sở hữu và nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% tổng số cổ phần của doanh nghiệp kia;
  • Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay;
  • Một doanh nghiệp chỉ định thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của một doanh nghiệp khác với điều kiện số lượng các thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định chiếm trên 50% tổng số thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của doanh nghiệp thứ hai; hoặc một thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thứ hai;
  • Hai doanh nghiệp cùng có trên 50% thành viên ban lãnh đạo hoặc cùng có một thành viên ban lãnh đạo có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh được chỉ định bởi một bên thứ ba;
  • Hai doanh nghiệp được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột;
  • Hai cơ sở kinh doanh có mối quan hệ trụ sở chính và cơ sở thường trú hoặc cùng là cơ sở thường trú của tổ chức, cá nhân nước ngoài;
  • Các doanh nghiệp chịu sự kiểm soát của một cá nhân thông qua vốn góp của cá nhân này vào doanh nghiệp đó hoặc trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp;
  • Các trường hợp khác trong đó doanh nghiệp chịu sự điều hành, kiểm soát, quyết định trên thực tế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp kia;
  • Doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ được nêu ở trên.

Việc tuân thủ quy định pháp lý không chỉ đảm bảo rằng các giao dịch liên kết diễn ra theo đúng quy trình và quy định, mà còn giúp tạo nên một môi trường kinh doanh lành mạnh, nơi mà các doanh nghiệp hoạt động với sự minh bạch và trách nhiệm. Trong bối cảnh này, việc xây dựng và duy trì một hệ thống quản lý nội bộ chặt chẽ, nhằm đảm bảo sự tuân thủ quy định pháp lý về giao dịch liên kết, là điều cực kỳ quan trọng. Các doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật và nắm rõ các quy định mới, áp dụng các biện pháp kiểm tra và xác minh để đảm bảo rằng mọi hoạt động giao dịch diễn ra trong giới hạn của luật pháp.

Thời gian viết bài: 22/08/2023

Bài viết ghi nhận thông tin chung có giá trị tham khảo, trường hợp bạn mong muốn nhận ý kiến pháp lý liên quan đến các vấn đề mà bạn đang vướng mắc, bạn vui lòng liên hệ với Luật sư của chúng tôi theo email info@cdlaf.vn

Vì sao chọn dịch vụ CDLAF

  • Chúng tôi cung cấp đến bạn giải pháp pháp lý hiệu quả và toàn diện, giúp bạn tiết kiệm ngân sách, duy trì sự tuân thủ trong doanh nghiệp;
  • Chúng tôi tiếp tục duy trì việc theo dõi vấn đề pháp lý của bạn ngay cả khi dịch vụ đã hoàn thành và cập nhật đến bạn khi có bất kỳ sự thay đổi nào từ hệ thống pháp luật Việt Nam;
  • Hệ thống biểu mẫu về doanh nghiệp, đầu tư được xây dựng và cập nhật liên tục sẽ cung cấp khi khách hàng yêu cầu, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục;
  • Doanh nghiệp cập nhật kịp thời các chính sách và phương thức làm việc tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Đội ngũ Luật sư của CDLAF nhiều năm kinh nghiệm hoạt động tại lĩnh vực Lao động, Doanh nghiệp, Đầu tư cùng với các cố vấn nhân sự, tài chính;
  • Quy trình bảo mật thông tin nghiêm ngặt trong suốt quá trình thực hiện dịch vụ và ngay cả khi dịch vụ được hoàn thành sau đó;

Bạn có thể tham thảo thêm:

    GỬI YÊU CẦU TƯ VẤN