Điều khoản phạt cọc và bồi thường thiệt hại trong Hợp đồng

Ngày cập nhật: May 30 , 2023

Điều khoản phạt cọc và bồi thường thiệt hại trong Hợp đồng

Trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng, việc đảm bảo tuân thủ các điều khoản và cam kết là một yếu tố quan trọng để đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong các giao dịch thương mại. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể tránh khỏi những vi phạm hay xảy ra sự cố trong quá trình thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp đó, phạt cọc và bồi thường thiệt hại được xem là các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các bên trong hợp đồng.

Trên thực tế, phạt cọc và bồi thường thiệt hại là những khái niệm phổ biến trong lĩnh vực pháp luật hợp đồng. Tuy nhiên, việc hiểu rõ và áp dụng chính xác hai khái niệm này là điều quan trọng để tránh tranh chấp và bảo vệ quyền lợi của mỗi bên. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về phạt cọc và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng, cung cấp những hiểu biết và hướng dẫn để áp dụng chúng một cách chính xác.

Điều khoản phạt cọc và bồi thường thiệt hại trong Hợp đồng

1. Hiểu về điều khoản phạt cọc và Bồi thường thiệt hại trong Hợp đồng

Đặt cọc, bồi thường thiệt hại là những thuật ngữ pháp lý thường xuất hiện trong các hợp đồng, đặc biệt là các hợp đồng liên quan đến mua bán hàng hóa, cho thuê văn phòng. Trong đó “đặt cọc” được hiểu là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Còn Bồi thường thiệt hại được hiểu là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. như vậy căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại là việc bên yêu cầu bồi thường phải chứng minh rằng bên gây thiệt hại đã có có hành vi vi phạm hợp đồng, và hành vi vi phạm này là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại, đồng thời xác định thiệt hại thực tế xảy ra.

Phạt cọc và Bồi thường thiệt hại là hai vấn đề pháp lý tồn tại độc lập trong Hợp đồng, theo đó phạt cọc chỉ áp dụng khi các bên có thỏa thuận việc phạt từ điều khoản đặt cọc và không dựa trên việc có phát sinh thiệt hại hay không. Ngược lại, đối với chế tài bồi thường thiệt hại thì việc bồi thường chỉ phát sinh khi bên yêu cầu bồi thường chứng minh được lỗi của bên còn lại, thiệt hại thực tế xảy ra và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại.

2. Lưu ý gì khi áp dụng điều khoản phạt cọc và bồi thường

Chúng tôi luôn khuyến cáo doanh nghiệp rằng, hãy cẩn trọng khi xem xét từ ngữ diễn đạt của hai điều khoản phạt cọc – bồi thường thiệt hại, bởi việc dùng sai từ ngữ cũng là một trong các lý do làm mất đi quyền lợi của chính doanh nghiệp khi có tranh chấp. Một điển hình mà chúng tôi thường thấy là việc thuật ngữ phạt cọc được điều chỉnh thành “bồi thường thiệt hại một khoản tiền bằng với tiền đặt cọc”, trong trường hợp này sẽ hiểu rằng đây là bồi thường thiệt hại hay phạt cọc.

Nếu hiểu một cách trực diện cách thức ghi nhận trên chúng ta có thể thấy rằng, hợp đồng đang ghi nhận nếu một bên gây thiệt hại thì bên đó phải bồi thường cho bên còn lại một khoản tiền bồi thường bằng với khoản tiền đặt cọc. Tuy nhiên, bản chất của bồi thường thiệt hại như chúng tôi đã chia sẻ ở trên là phải dựa trên thiệt hại thực tế, hay nói cách khác đến thời điểm hiện tại pháp luật chưa cho phép các bên thỏa thuận trong hợp đồng một khoản bồi thường thiệt hại cụ thể. Điều này sẽ dẫn đến việc các bên không áp dụng được quy định “bồi thường thiệt hại một khoản tiền bằng với tiền đặt cọc” khi có bất kỳ vi phạm nào xảy ra trên thực tế.

Tuy nhiên, khi đi xem xét giải quyết tranh chấp hợp đồng, cơ quan tố tụng bên cạnh việc xem xét các thỏa thuận của các bên trong Hợp đồng, thì cũng sẽ dựa trên ý chí của các bên tại thời điểm giao kết hợp đồng, để từ đó lựa chọn cách giải thích điều khoản nêu trên theo hướng phạt cọc hay bồi thường thiệt hại, vấn đề còn lại tùy thuộc vào lập luận cùng các bằng chứng chứng minh của bên có yêu cầu phạt cọc.

Một điểm cần lưu ý khác, hợp đồng có điều khoản đặt cọc thì sẽ cần có điều khoản thỏa thuận về việc xử lý tiền đặt cọc. Theo đó, tiền đặt cọc sẽ được dùng để làm gì, trường hợp nào được cấn trừ tiền đặt cọc, việc hoàn trả tiền đặt cọc sẽ được thực hiện trong vòng bao lâu kể từ khi hợp đồng chấm dứt …, tóm lại điều khoản này cần phải chi tiết để có khả năng áp dụng được trên thực tế và đủ để ràng buộc sự tuân thủ của bên còn lại trong hợp đồng.

Trên hành trình thực hiện hợp đồng, phạt cọc và bồi thường thiệt hại là những công cụ quan trọng để đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong các giao dịch thương mại. Tuy nhiên để các điều khoản này bảo đảm được quyền lợi của doanh nghiệp thì việc hiểu đúng và thể hiện trong Hợp đồng là hết sức quan trọng.

Thời gian viết bài: 30/05/2023

Bài viết ghi nhận thông tin chung có giá trị tham khảo, trường hợp bạn mong muốn nhận ý kiến pháp lý liên quan đến các vấn đề mà bạn đang vướng mắc, bạn vui lòng liên hệ với Luật sư của chúng tôi theo email info@cdlaf.vn

Vì sao chọn dịch vụ CDLAF

  • Chúng tôi cung cấp đến bạn giải pháp pháp lý hiệu quả và toàn diện, giúp bạn tiết kiệm ngân sách, duy trì sự tuân thủ trong doanh nghiệp;
  • Chúng tôi tiếp tục duy trì việc theo dõi vấn đề pháp lý của bạn ngay cả khi dịch vụ đã hoàn thành và cập nhật đến bạn khi có bất kỳ sự thay đổi nào từ hệ thống pháp luật Việt Nam;
  • Hệ thống biểu mẫu về doanh nghiệp, đầu tư được xây dựng và cập nhật liên tục sẽ cung cấp khi khách hàng yêu cầu, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục
  • Doanh nghiệp cập nhật kịp thời các chính sách và phương thức làm việc tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Đội ngũ Luật sư của CDLAF nhiều năm kinh nghiệm hoạt động tại lĩnh vực Lao động, Doanh nghiệp, Đầu tư cùng với các cố vấn nhân sự, tài chính.
  • Quy trình bảo mật thông tin nghiêm ngặt trong suốt quá trình thực hiện dịch vụ và ngay cả khi dịch vụ được hoàn thành sau đó;

Bạn có thể tham thảo thêm:

    GỬI YÊU CẦU TƯ VẤN