Hợp đồng hợp tác kinh doanh, những rủi ro pháp lý cần biết

Ngày cập nhật: December 5 , 2024

Hợp đồng hợp tác kinh doanh, những rủi ro pháp lý cần biết

Hoạt động hợp tác kinh doanh thường phát sinh từ mối quan hệ giữa các bên có mối quan hệ quen biết, chính vì vậy việc hợp tác kinh doanh thông thường sẽ được các bên xác lập trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau. Tại thời điểm xác lập ban đầu, hầu hết giữa các bên vẫn duy trì được mối quan hệ tốt đẹp, các xung đột chưa xảy ra do giai đoạn này các bên chưa trực tiếp thực hiện các công việc theo thỏa thuận hợp tác. Tuy nhiên khi bước vào quá trình thực hiện hợp đồng hợp tác, nhiều vấn đề phát sinh nhưng các bên không đạt được thỏa thuận hay khi một bên không tuân thủ bất kỳ cam kết nào trước đó và không tồn tại bất kỳ một chế tài hoặc ràng buộc nào để buôc một bên phải nghiêm túc thực hiện hợp đồng, những điều này thường là nguyên nhân dẫn đến đứt gãy các mối quan hệ hợp tác trước đó. Thông thường trong mối quan hệ hợp tác kinh doanh chúng ta có thể liệt kê một số nguyên nhân như sau:

Source: pexels-artempodrez-5716032

1. Mục tiêu hợp tác kinh doanh không được ghi nhận một cách rõ ràng

Trong hợp đồng hợp tác kinh doanh, điều này đôi khi được ghi nhận một cách sơ xài, không thể hiện được điều mà các bên kì vọng, hướng đến trong mối quan hệ hợp tác. Thực tế khi xảy ra bất kỳ mâu thuẫn nào, để đạt được tiếng nói chung cho bất kỳ vấn đề nào thì các bên sẽ cũng quay lại nhìn nhận vào mục tiêu ban đầu mà mỗi bên hướng đến để cùng thiện chí thống nhất các điểm còn vướng mắc.

2. Đóng góp của mỗi bên chưa được ghi nhận chi tiết

Trong hợp đồng hợp tác kinh doanh, việc không ghi nhận chi tiết và cụ thể nghĩa vụ đóng góp của mỗi bên là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp và gián đoạn hoạt động kinh doanh. Nếu các thỏa thuận về nội dung này không được làm rõ, các bên dễ rơi vào tình trạng bất đồng và khó xử lý khi có vấn đề phát sinh.

Thiếu ghi nhận rõ ràng về đóng góp, nếu hợp đồng không nêu rõ mỗi bên sẽ đóng góp những gì (tài sản, vốn, công sức, công nghệ, hoặc các nguồn lực khác), điều này có thể dẫn đến hiểu lầm về trách nhiệm của từng bên. Việc này không chỉ gây ra xung đột về quyền lợi mà còn ảnh hưởng đến tính khả thi của các hoạt động kinh doanh đã được hoạch định. Không xác định thời hạn góp vốn hoặc tài sản, theo đó thời gian đóng góp là yếu tố then chốt để đảm bảo tiến độ hoạt động kinh doanh. Nếu không quy định rõ thời hạn và kế hoạch đóng góp, việc chậm trễ từ một bên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dự án chung, làm gián đoạn hoặc gây tổn thất tài chính cho các bên còn lại.

Thiếu chế tài đối với bên vi phạm, một hợp đồng không quy định chế tài đối với các bên chậm hoặc không thực hiện nghĩa vụ đóng góp sẽ dẫn đến tình trạng thiếu cơ chế xử lý khi phát sinh vi phạm. Điều này làm giảm khả năng đảm bảo quyền lợi của các bên còn lại, gây mất cân bằng trong quan hệ hợp tác.

Để tránh những rủi ro nêu trên thì ngay trong hợp đồng các bên cần liệt kê chi tiết mỗi bên đóng góp những gì, bao gồm cả hình thức đóng góp (tiền mặt, tài sản, công nghệ, nhân lực, v.v.) và các giá trị định lượng cụ thể. Hợp đồng cũng cần quy định rõ thời gian mà mỗi bên phải hoàn thành nghĩa vụ đóng góp, cùng với các mốc thời gian kiểm tra tiến độ. Thiết lập chế tài rõ ràng, theo đó Hợp đồng nên bao gồm các điều khoản chế tài, chẳng hạn như phạt tài chính, giảm tỷ lệ lợi nhuận hoặc quyền lợi, hoặc thậm chí quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ đúng hạn.

3. Vai trò Quản lý và điều hành chưa được phân định rõ ràng

Hợp đồng hợp tác kinh doanh thường đối mặt với những rủi ro quan trọng trong quản lý và điều hành nếu thiếu sự quy định rõ ràng và minh bạch. Một trong những vấn đề chính là phân quyền không rõ ràng, dẫn đến mâu thuẫn về quyền lực hoặc tình trạng bỏ sót trách nhiệm, làm giảm hiệu quả kinh doanh chung. Ngoài ra, sự khác biệt trong phong cách quản lý giữa các bên, đặc biệt khi đến từ các nền văn hóa hoặc mô hình kinh doanh khác nhau, có thể gây căng thẳng và chậm trễ trong việc ra quyết định.

Nguy cơ lạm quyền cũng là một rủi ro thường gặp, khi một bên lợi dụng quyền hạn của mình để đưa ra các quyết định bất lợi cho đối tác, từ đó làm xói mòn mối quan hệ hợp tác. Cuối cùng, thiếu minh bạch trong điều hành, chẳng hạn như che giấu thông tin hoặc không chia sẻ đầy đủ về hoạt động và tài chính, sẽ làm suy giảm lòng tin, gây ra những bất đồng khó giải quyết. Để giảm thiểu rủi ro này, hợp đồng cần quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của từng bên, thiết lập cơ chế giám sát lẫn nhau và đảm bảo sự minh bạch thông qua các cuộc họp định kỳ. Điều này không chỉ giúp củng cố lòng tin mà còn tạo ra sự thống nhất trong hoạt động quản lý, góp phần xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững.

4. Tài chính thiếu minh bạch và cơ chế kiểm soát không có

Rủi ro tài chính là một trong những thách thức lớn trong hợp đồng hợp tác kinh doanh, đặc biệt khi thiếu sự minh bạch và cơ chế quản lý hiệu quả. Sự thiếu minh bạch trong báo cáo tài chính có thể gây ra nghi ngờ giữa các bên nếu không có quy trình kiểm tra độc lập và minh bạch. Không thực hiện nghĩa vụ tài chính đúng hạn là một rủi ro nghiêm trọng khác, xảy ra khi một bên chậm trễ hoặc không thực hiện đầy đủ các cam kết về vốn. Điều này dẫn đến gián đoạn trong hoạt động kinh doanh chung, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của dự án.

Quản lý nợ không hiệu quả cũng là một thách thức tiềm ẩn, đặc biệt trong trường hợp hợp tác liên quan đến việc vay vốn hoặc phát sinh các khoản nợ. Nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, áp lực tài chính này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định và tính bền vững của dự án hợp tác.

Chính vì vậy, Hợp đồng cần được xây dựng với các điều khoản chi tiết, bao gồm nghĩa vụ tài chính của từng bên, cơ chế kiểm tra và báo cáo tài chính độc lập. Đồng thời, nên bổ sung các biện pháp xử lý vi phạm tài chính và lập quỹ dự phòng để giảm thiểu tác động từ các chi phí phát sinh. Điều này sẽ giúp đảm bảo sự minh bạch, tăng cường lòng tin và duy trì tính ổn định trong hợp tác.

5. Cách thức phân chia lợi nhuận chưa được ghi nhận

Phân chia lợi nhuận là một vấn đề nhạy cảm trong hợp đồng hợp tác kinh doanh, dễ dẫn đến tranh chấp nếu không có sự đồng thuận rõ ràng. Mâu thuẫn về phương pháp phân chia là một rủi ro phổ biến, khi các bên có quan điểm khác nhau về cách tính toán lợi nhuận. Một số có thể muốn dựa trên vốn góp, trong khi bên khác lại ưu tiên công sức hoặc đóng góp phi tài chính, dẫn đến xung đột.

Ngoài ra, không rõ thứ tự ưu tiên sử dụng lợi nhuận cũng có thể gây tranh cãi. Nếu hợp đồng không xác định rõ ràng lợi nhuận được phân bổ như thế nào (tái đầu tư, trả nợ hay chia trực tiếp), quá trình phân chia có nguy cơ bị trì hoãn hoặc dẫn đến bất đồng. Sự không đồng thuận từ chênh lệch đóng góp là một vấn đề tiềm ẩn, đặc biệt nếu một bên cảm thấy phần lợi nhuận nhận được không tương xứng với mức độ đầu tư hay công sức đã bỏ ra. Để giảm thiểu rủi ro, hợp đồng cần quy định chi tiết phương pháp tính toán, tỷ lệ phân chia lợi nhuận, thứ tự ưu tiên sử dụng và thời hạn thanh toán. Đồng thời, cần bổ sung cơ chế hòa giải để giải quyết tranh cãi một cách nhanh chóng và công bằng.

Trong hợp tác kinh doanh, việc nhận diện và kiểm soát các rủi ro như nghĩa vụ đóng góp, phân chia lợi nhuận, quản lý vận hành hay cơ chế giải quyết tranh chấp là yếu tố quyết định sự thành công và bền vững của mối quan hệ hợp tác. Một hợp đồng chặt chẽ, minh bạch và toàn diện không chỉ giúp các bên tránh được những tranh cãi không đáng có mà còn tạo nền tảng pháp lý vững chắc để đối mặt với những biến động trong thực tế kinh doanh.

Thời gian viết bài: 04/12/2024

Bài viết ghi nhận thông tin chung có giá trị tham khảo, trường hợp bạn mong muốn nhận ý kiến pháp lý liên quan đến các vấn đề mà bạn đang vướng mắc, bạn vui lòng liên hệ với Luật sư của chúng tôi theo email info@cdlaf.vn

Vì sao chọn dịch vụ CDLAF

  • Chúng tôi cung cấp đến bạn giải pháp pháp lý hiệu quả và toàn diện, giúp bạn tiết kiệm ngân sách, duy trì sự tuân thủ trong doanh nghiệp;
  • Chúng tôi tiếp tục duy trì việc theo dõi vấn đề pháp lý của bạn ngay cả khi dịch vụ đã hoàn thành và cập nhật đến bạn khi có bất kỳ sự thay đổi nào từ hệ thống pháp luật Việt Nam;
  • Hệ thống biểu mẫu về doanh nghiệp, đầu tư được xây dựng và cập nhật liên tục sẽ cung cấp khi khách hàng yêu cầu, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục;
  • Doanh nghiệp cập nhật kịp thời các chính sách và phương thức làm việc tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Đội ngũ Luật sư của CDLAF nhiều năm kinh nghiệm hoạt động tại lĩnh vực Lao động, Doanh nghiệp, Đầu tư cùng với các cố vấn nhân sự, tài chính;
  • Quy trình bảo mật thông tin nghiêm ngặt trong suốt quá trình thực hiện dịch vụ và ngay cả khi dịch vụ được hoàn thành sau đó;

Bạn có thể tham thảo thêm:

    GỬI YÊU CẦU TƯ VẤN









    error: Content is protected !!