Những điểm cần lưu ý đối với Người đại diện pháp luật, Trưởng văn phòng đại diện, chi nhánh của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại việt Nam
Trong hoạt động kinh doanh và đầu tư quốc tế, việc thành lập doanh nghiệp, văn phòng đại diện hoặc chi nhánh của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam là một trong những cách thức phổ biến để mở rộng quy mô hoạt động, tìm hiểu, thăm dò và khảo sát thị trường. Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động của các văn phòng đại diện và chi nhánh này tuân thủ pháp luật, các quy định về điều kiện và nghĩa vụ pháp lý của Người đại diện pháp luật, Trưởng văn phòng đại diện, chi nhánh cũng được đặt ra và đòi hỏi sự chú ý và tuân thủ chặt chẽ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các vấn đề mà một cá nhân khi đảm nhận vị trí Người đại diện pháp luật, Trưởng văn phòng đại diện, Trưởng chi nhánh, cần phải lưu ý.
1. Điều kiện và lưu ý đối với Người đại diện theo pháp luật
Điều kiện đối với người đảm nhận vai trò đại diện pháp luật của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cũng không có sự khác biệt so với điều kiện dành cho đại diện pháp luật của công ty trong nước. Theo đó:
- Doanh nghiệp được quyền có nhiều hơn một Người đại diện pháp luật, Điều lệ công ty sẽ quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của từng đại diện pháp luật. Nếu không có quy định thì tất cả đều có đủ thẩm quyền và khi có thiệt hại xảy ra đối với Doanh nghiệp thì phải liên đới đối với thiệt hại.
- Doanh nghiệp phải đảm bảo luôn có ít nhất một Người đại diện pháp luật cư trú tại Việt Nam. Nếu xuất cảnh khỏi Việt Nam thì ủy quyền bằng văn bản cho người cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ đại diện pháp luật. Nếu không có ai làm đại diện pháp luật thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty.
- Cá nhân làm Người đại diện theo pháp luật của công ty không thuộc một trong các trường hợp sau: Chết, mất tích; Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Bị tạm giam; Đang chấp hành hình phạt tù; Đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc; Trốn khỏi nơi cư trú; Bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; Có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; hoặc bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
Như vậy, theo tinh thần của pháp luật doanh nghiệp thì có thể hiểu Người đại diện pháp luật phải đáp ứng các điều kiện như sau:
- Từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Không thuộc đối tượng cầm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc nhất định.
2.Đối với Trưởng văn phòng đại diện và Trưởng Chi nhánh của thương nhân nước ngoài
Trưởng văn phòng đại diện, Trưởng chi nhánh là những người chịu trách nhiệm quản lý điều hành Văn phòng đại diện, Chi nhánh trong phạm vi hoạt động được phép tại Việt Nam. Theo đó khi thực hiện vai trò điều hành tại Việt Nam, các cá nhân này cần lưu ý những vấn đề sau:
- Người đứng đầu Văn phòng đại diện, Chi nhánh phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu Văn phòng đại diện, Chi nhánh theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Việc ủy quyền này phải được sự đồng ý của thương nhân nước ngoài. Người đứng đầu Văn phòng đại diện, Chi nhánh vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.
- Trường hợp hết thời hạn ủy quyền mà người đứng đầu Văn phòng đại diện, Chi nhánh chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì người được ủy quyền có quyền tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu Văn phòng đại diện, Chi nhánh trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đứng đầu Văn phòng đại diện, Chi nhánh trở lại làm việc tại Văn phòng đại diện, Chi nhánh hoặc cho đến khi thương nhân nước ngoài bổ nhiệm người khác làm người đứng đầu Văn phòng đại diện, Chi nhánh.
- Trường hợp người đứng đầu Văn phòng đại diện, Chi nhánh không hiện diện tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu Văn phòng đại diện, Chi nhánh hoặc bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, bị hạn chế mất năng lực hành vi dân sự thì thương nhân nước ngoài phải bổ nhiệm người khác làm người đứng đầu Văn phòng đại diện, Chi nhánh.
- Người đứng đầu Văn phòng đại diện của một thương nhân nước ngoài không được kiêm nhiệm các chức vụ sau:
- Người đứng đầu Chi nhánh của cùng một thương nhân nước ngoài;
- Người đứng đầu Chi nhánh của thương nhân nước ngoài khác;
- Người đại diện theo pháp luật của thương nhân nước ngoài đó hoặc thương nhân nước ngoài khác;
- Người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam.
Lưu ý: Trong trường hợp người đứng đầu Văn phòng đại diện được thương nhân nước ngoài ủy quyền giao kết hợp đồng, sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã giao kết thì thương nhân nước ngoài phải thực hiện việc ủy quyền bằng văn bản.
- Người đứng đầu Chi nhánh của thương nhân nước ngoài không được kiêm nhiệm các chức vụ sau:
- Người đứng đầu Văn phòng đại diện của một thương nhân nước ngoài khác;
- Người đứng đầu Văn phòng đại diện của cùng một thương nhân nước ngoài;
- Người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam.
Xuất phát từ việc các Trưởng văn phòng đại diện, Trưởng Chi nhánh của thương nhân nước ngoài là những người đại diện cho thương nhân khi thực hiện các hoạt động kinh doanh, xúc tiến thương mại tại Việt Nam, chính vì vậy các quyền nghĩa vụ và điều kiện đối với vị trí này được pháp luật quản lý rất chặt chẽ. Việc thương nhân nước ngoài tuân thủ là điều kiện để duy trì sự hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh cũng như tạo ra sự thuận lợi cho thương nhân nước ngoài khi thực hiện các thủ tục liên quan để điều chỉnh hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh.
Thời gian viết bài: 25/04/2023
Bài viết ghi nhận thông tin chung có giá trị tham khảo, trường hợp bạn mong muốn nhận ý kiến pháp lý liên quan đến các vấn đề mà bạn đang vướng mắc, bạn vui lòng liên hệ với Luật sư của chúng tôi theo email info@cdlaf.vn
Vì sao chọn dịch vụ CDLAF
- Chúng tôi cung cấp đến bạn giải pháp pháp lý hiệu quả và toàn diện, giúp bạn tiết kiệm ngân sách, duy trì sự tuân thủ trong doanh nghiệp;
- Chúng tôi tiếp tục duy trì việc theo dõi vấn đề pháp lý của bạn ngay cả khi dịch vụ đã hoàn thành và cập nhật đến bạn khi có bất kỳ sự thay đổi nào từ hệ thống pháp luật Việt Nam;
- Hệ thống biểu mẫu về doanh nghiệp, đầu tư được xây dựng và cập nhật liên tục sẽ cung cấp khi khách hàng yêu cầu, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục
- Doanh nghiệp cập nhật kịp thời các chính sách và phương thức làm việc tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Đội ngũ Luật sư của CDLAF nhiều năm kinh nghiệm hoạt động tại lĩnh vực Lao động, Doanh nghiệp, Đầu tư cùng với các cố vấn nhân sự, tài chính.
- Quy trình bảo mật thông tin nghiêm ngặt trong suốt quá trình thực hiện dịch vụ và ngay cả khi dịch vụ được hoàn thành sau đó;
Bạn có thể tham thảo thêm:
- Các báo cáo mà nhà đầu tư bắt buộc phải thực hiện trong năm 2023
- Thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, nhà đầu tư cần lưu ý gì (Phần 1)
- Thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, nhà đầu tư cần lưu ý gì (Phần 2)
- Trình tự, thủ tục góp vốn mua cổ phần trong doanh nghiệp tại Việt Nam
- Doanh nghiệp với việc mở và sử dụng tài khoản đầu tư trực tiếp
- Làm gì để tránh rủi ro khi thuê trụ sở hoạt động tại Việt Nam
- Nhà đầu tư nước ngoài cung cấp dịch vụ việc làm tại Việt Nam
- Nhượng quyền thương mại tại Việt Nam (Phần 1)
- Nhượng quyền thương mại tại Việt Nam (Phần 2)
- Các bước để nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam