Trình tự thủ tục để gia hạn dự án đầu tư tại Việt Nam
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và thu hút nhiều dòng vốn đầu tư, bên cạnh việc thành lập các dự án đầu tư mới thì đối với các doanh nghiệp đã hoạt động kinh doanh tại Việt Nam việc gia hạn dự án đầu tư là một vấn đề đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, việc thực hiện các thủ tục để gia hạn dự án đầu tư tại Việt Nam đòi hỏi các nhà đầu tư phải nắm rõ trình tự và các điều kiện cần thiết để đảm bảo đạt được mục tiêu đầu tư. Vì vậy, trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về trình tự thủ tục để gia hạn dự án đầu tư tại Việt Nam, từ đó giúp các nhà đầu tư có được cái nhìn tổng quan về quy trình này và đưa ra quyết định đúng đắn cho dự án của mình.
1. Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư
Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư được tính từ ngày nhà đầu tư được cấp Quyết định chấp thuận nhà đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp lần đầu.
Đối với dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thì thời hạn hoạt động của dự án được tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất. Trường hợp nhà đầu tư đã có quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chậm được bàn giao đất thì thời hạn hoạt động của dự án đầu tư được tính từ ngày bàn giao đất trên thực địa.
Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư trong khu kinh tế không quá 70 năm. Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư ngoài khu kinh tế không quá 50 năm. Dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc dự án đầu tư có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm thì thời hạn hoạt động của dự án đầu tư có thể dài hơn nhưng không quá 70 năm. Đối với dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng nhà đầu tư chậm được bàn giao đất thì thời gian Nhà nước chậm bàn giao đất không tính vào thời hạn hoạt động, tiến độ thực hiện của dự án đầu tư.
Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư được điều chỉnh tăng hoặc giảm thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.
2. Khi nào doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục gia hạn dự án đầu tư
Thời hạn của dự án đầu tư được ghi nhận cụ thể trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và là thông tin bắt buộc phải có, tuy nhiên thời hạn của dự án đầu tư của mỗi doanh nghiệp là khác nhau. Thông thường thời hạn của dự án đầu tư sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi doanh nghiệp, chính sách của cơ quan đăng ký đầu tư khi xem xét hồ sơ của doanh nghiệp. Theo nguyên tắc quản lý, dự án đầu tư chỉ được phép hoạt động trong thời hạn của dự án đầu tư, chính vì vậy khi dự án đầu tư sắp hết hạn, nhà đầu tư cần thực hiện các thủ tục cần thiết để gia hạn dự án đầu tư.
Căn cứ mục tiêu, quy mô, địa điểm, yêu cầu hoạt động của dự án đầu tư, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư xem xét, quyết định thời hạn hoạt động, điều chỉnh thời hạn hoạt động của dự án đầu tư
3. Điều kiện để được gia hạn dự án đầu tư là gì
Nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án đầu tư khi kết thúc thời hạn hoạt động được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư xem xét, quyết định gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đó nếu đáp ứng các điều kiện sau:
– Phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (nếu có); phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển đô thị, chương trình kế hoạch phát triển nhà ở (đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị);
– Đáp ứng điều kiện giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai (đối với trường hợp đề nghị gia hạn sử dụng đất).
Lưu ý rằng, đối với dự án đầu tư có sử dụng đất, trong thời hạn tối thiểu 06 tháng trước khi hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.
4. Trình tự thủ tục để gia hạn dự án đầu tư
Để thực hiện gia hạn dự án đầu tư doanh nghiệp cần tiến hành thủ tục tại cơ quan đăng ký đầu tư để điều chỉnh mục thời hạn dự án trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, và thường chúng ta hay gọi chung là thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Hồ sơ về cơ bản sẽ gồm có:
- Văn bản đề nghị gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư;
- Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương;
- Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;
- Bản sửa đổi, bổ sung Điều lệ doanh nghiệp hoặc Bản sửa đổi, bổ sung Hợp đồng liên doanh (nếu có);
- Đề xuất dự án đầu tư;
- Quyết định của nhà đầu tư về việc điều chỉnh dự án đầu tư (Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông/thành viên hợp danh/chủ sở hữu của Tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư về việc điều chỉnh dự án đầu tư hoặc văn bản hợp pháp khác theo quy định của pháp luật);
- Hồ sơ pháp lý liên quan đến địa chỉ trụ sở chính và địa điểm thực hiện dự án (Hồ sơ bao gồm: Bản sao hợp lệ Hợp đồng thuê địa điểm có công chứng hoặc các giấy tờ chứng minh nhà đầu tư được quyền sử dụng hợp pháp địa điểm đã đăng ký).
- Giấy ủy quyền người nộp hồ sơ.
5. Một số câu hỏi liên quan đến Gia hạn dự án đầu tư
– Nhà đầu tư nước ngoài muốn thực hiện thủ tục gia hạn thời hạn thực hiện dự án, tuy nhiên nhà đầu tư lại nộp hồ sơ cho cơ quan đăng ký đầu tư sau ngày hết hạn thời hạn thực hiện dự án, vậy Nhà đầu tư có được xem xét cho gia hạn dự án hay không?
Trả lời: Căn cứ theo Điều 48 Luật đầu tư 2020 quy về việc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư có quy định các trường hợp nhà đầu tư chấm dứt hoạt động đầu tư, dự án đầu tư trong các trường hợp sau đây: Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư; Theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp; Hết thời hạn ( thời gian) hoạt động của dự án đầu tư. Như vậy khi hết hạn hoạt động dự án, dự án sẽ phải làm thủ tục chấm dứt theo quy định. Để đảm bảo công ty hoạt động ổn định thì trước khi hết thời gian hoạt động của dự án doanh nghiệp phải làm hồ sơ gửi lên cơ quan có thẩm quyền để làm gia hạn thời gian hoạt động dự án đầu tư thì mới được phép tiếp tục kinh doanh.
– Dự án đầu tư nào sẽ không được gia hạn thời hạn hoạt động?
Trả lời:
- Dự án sử dụng dây chuyền công nghệ khi hoạt động không đáp ứng quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; hoặc công suất (tính theo số lượng sản phẩm được tạo ra bởi dây chuyền công nghệ trong một đơn vị thời gian) hoặc hiệu suất của dây chuyền công nghệ còn lại dưới 85% so với công suất hoặc hiệu suất thiết kế; hoặc mức tiêu hao nguyên, vật liệu, năng lượng vượt quá 15% so với thiết kế.
- Dự án sử dụng máy móc, thiết bị để sản xuất có mã hàng hóa (mã số HS) thuộc các Chương 84 và 85 Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam có tuổi vượt quá 10 năm hoặc khi hoạt động không đáp ứng quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
– Thời gian được gia hạn thêm cho dự án đầu tư là bao nhiêu năm?
Trả lời:Thời gian gia hạn hoạt động đối với dự án đầu tư được xem xét trên cơ sở mục tiêu, quy mô, địa điểm, yêu cầu hoạt động của dự án và nhu cầu của nhà đầu tư. Cơ quan đăng ký đầu tư sẽ xem xét các yêu cầu mà nhà đầu tư đáp ứng, tính hiệu quả trong hoạt động, sự tuân thủ của nhà đầu tư trong quá trình hoạt động dự án ( góp vốn đúng tiến độ, báo cáo đầy đủ, các nghĩa vụ về thuế, tiền sử dụng đất …), để từ đó quyết định việc có chấp thuận yêu cầu gia hạn của Nhà đầu tư hay không.
Thời gian viết bài: 28/04/2023
Bài viết ghi nhận thông tin chung có giá trị tham khảo, trường hợp bạn mong muốn nhận ý kiến pháp lý liên quan đến các vấn đề mà bạn đang vướng mắc, bạn vui lòng liên hệ với Luật sư của chúng tôi theo email info@cdlaf.vn.
Vì sao chọn dịch vụ CDLAF
- Chúng tôi cung cấp đến bạn giải pháp pháp lý hiệu quả và toàn diện, giúp bạn tiết kiệm ngân sách, duy trì sự tuân thủ trong doanh nghiệp;
- Chúng tôi tiếp tục duy trì việc theo dõi vấn đề pháp lý của bạn ngay cả khi dịch vụ đã hoàn thành và cập nhật đến bạn khi có bất kỳ sự thay đổi nào từ hệ thống pháp luật Việt Nam;
- Hệ thống biểu mẫu về doanh nghiệp, đầu tư được xây dựng và cập nhật liên tục sẽ cung cấp khi khách hàng yêu cầu, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục
- Doanh nghiệp cập nhật kịp thời các chính sách và phương thức làm việc tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Đội ngũ Luật sư của CDLAF nhiều năm kinh nghiệm hoạt động tại lĩnh vực Lao động, Doanh nghiệp, Đầu tư cùng với các cố vấn nhân sự, tài chính.
- Quy trình bảo mật thông tin nghiêm ngặt trong suốt quá trình thực hiện dịch vụ và ngay cả khi dịch vụ được hoàn thành sau đó;
Bạn có thể tham thảo thêm:
- Các báo cáo mà nhà đầu tư bắt buộc phải thực hiện trong năm 2023
- Thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, nhà đầu tư cần lưu ý gì (Phần 1)
- Thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, nhà đầu tư cần lưu ý gì (Phần 2)
- Trình tự, thủ tục góp vốn mua cổ phần trong doanh nghiệp tại Việt Nam
- Doanh nghiệp với việc mở và sử dụng tài khoản đầu tư trực tiếp
- Làm gì để tránh rủi ro khi thuê trụ sở hoạt động tại Việt Nam
- Nhượng quyền thương mại tại Việt Nam (Phần 1)
- Nhượng quyền thương mại tại Việt Nam (Phần 2)
- Các bước để nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam