Nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý các loại thuế nào khi hoạt động đầu tư tại Việt Nam
Trước khi quyết định đầu tư vào Việt Nam, các Nhà đầu tư thường quan tâm, tìm hiểu về hình thức đầu tư và hiện diện phù hợp, các chính sách ưu đãi liên quan và nghĩa vụ phải thực hiện khi hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Theo Nghị định số 152/2020/NĐ-CP, tùy theo hình thức đầu tư, các Nhà đầu tư có thể có các hình thức hiện thương mại tại Việt Nam như: tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Vậy, khi các hiện diện thương mại này hoạt động tại Việt Nam thì cần lưu ý những chính sách thuế nào?
1. Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC)
Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC được lập để tuyển dụng lao động, ký hợp đồng và tiến hành các hoạt động kinh doanh trong phạm vi quyền và nghĩa vụ quy định tại hợp đồng BCC và Giấy chứng nhận đăng ký thành lập văn phòng điều hành.
Hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.
Tại điểm n khoản 3 Điều 5 Thông tư 78/2014/TT-BTC cũng đã quy định về việc xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế trong hợp đồng hợp tác kinh doanh, theo đó tùy thỏa thuận trong hợp đồng mà các bên xác định trách nhiệm kê khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì vậy, Văn phòng điều hành cũng tùy trường hợp mà thực hiện các công việc liên quan đến kê khai thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, để xác định chính xác nghĩa vụ thuế thì nhà đầu tư cũng cần xem xét đến các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam với quốc gia có liên quan.
2. Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
Lệ phí môn bài
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 44, Luật doanh nghiệp năm 2020: Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.
Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận.
Theo Nghị định 139/2016/NĐ-CP Nghị định 22/2020/NĐ-CP về lệ phí môn bài, văn phòng đại diện có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, là trường hợp phải nộp thuế môn bài. Nên khi có phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh thì Văn phòng đại diện sẽ kê khai, nộp thuế môn bài, nếu không phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh thì không phải nộp thuế môn bài.
Thuế thu nhập cá nhân
Theo quy định tại Điều 17 và Điều 18 của Luật thương mại, Văn phòng đại diện được thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của Văn phòng đại diện; Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam. Văn phòng đại diện không được thực hiện hoạt động sinh lợi trực tiếp tại Việt Nam, chỉ được thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong phạm vi mà Luật thương mại cho phép. Không được giao kết hợp đồng, sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã giao kết của thương nhân nước ngoài, trừ trường hợp Trưởng Văn phòng đại diện có giấy uỷ quyền hợp pháp của thương nhân nước ngoài.
Như vậy, văn phòng đại diện phải thực hiện nghĩa vụ khấu trừ, kê khai thuế và nộp thuế thu nhập cá nhân cho người lao động và thuế thu nhập doanh nghiêp (thuế nhà thầu, nếu có yêu cầu của công ty mẹ).
3. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó các khoản thuế, phí mà Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Chi nhánh của của họ tại tại Việt Nam là tương đồng. Ngoại trừ trường hợp phạm vi hoạt động kinh doanh của chi nhánh hẹp hơn thì các nghĩa vụ Thuế phí sẽ giảm theo tương ứng.
Về cơ bản, Doanh nghiệp/ Chi nhánh hoạt động tại Việt Nam sẽ phát sinh các loại thuế, phí sau:
Lệ phí môn bài
Căn cứ: điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về người nộp lệ phí môn bài:
“ 1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
…
6. Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này (nếu có).”
Thuế giá trị gia tăng
Căn cứ Khoản 3 Điều 3 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về người nộp thuế GTGT bao gồm:
“Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (nay là Luật đầu tư); các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh ở Việt Nam nhưng không thành lập pháp nhân tại Việt Nam;”
Theo đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh của công ty nước ngoài đều là người nộp thuế GTGT.
Thuế thu nhập doanh nghiệp
Căn cứ: Khoản 1 Điều 2 Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định về người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp:
“1. Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế (sau đây gọi là doanh nghiệp), bao gồm:
a) Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, …
Cơ sở thường trú của doanh nghiệp nước ngoài là cơ sở sản xuất, kinh doanh mà thông qua cơ sở này, doanh nghiệp nước ngoài tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, bao gồm:
– Chi nhánh, văn phòng điều hành, nhà máy, công xưởng, phương tiện vận tải, hầm mỏ, mỏ dầu, khí hoặc địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên khác tại Việt Nam”
Thuế thu nhập cá nhân của Người lao động
Căn cứ: Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007, sửa đổi bổ sung 2012 và các văn bản hướng dẫn: Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khấu trừ thuế khi trả thu nhập cho cá nhân (nếu có) và kê khai, nộp số thuế đó theo quy định của pháp luật.
Ngoài những loại thuế cơ bản nêu trên, tùy thuộc vào hoạt động kinh doanh mà doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh của công ty nước ngoài sẽ phải nộp các loại thuế khác như: thuế xuất nhập khẩu, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường,…
Thời gian viết bài: 04/03/2024
Bài viết ghi nhận thông tin chung có giá trị tham khảo, trường hợp bạn mong muốn nhận ý kiến pháp lý liên quan đến các vấn đề mà bạn đang vướng mắc, bạn vui lòng liên hệ với Luật sư của chúng tôi theo email info@cdlaf.vn
Vì sao chọn dịch vụ CDLAF
- Chúng tôi cung cấp đến bạn giải pháp pháp lý hiệu quả và toàn diện, giúp bạn tiết kiệm ngân sách, duy trì sự tuân thủ trong doanh nghiệp;
- Chúng tôi tiếp tục duy trì việc theo dõi vấn đề pháp lý của bạn ngay cả khi dịch vụ đã hoàn thành và cập nhật đến bạn khi có bất kỳ sự thay đổi nào từ hệ thống pháp luật Việt Nam;
- Hệ thống biểu mẫu về doanh nghiệp, đầu tư được xây dựng và cập nhật liên tục sẽ cung cấp khi khách hàng yêu cầu, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục;
- Doanh nghiệp cập nhật kịp thời các chính sách và phương thức làm việc tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Đội ngũ Luật sư của CDLAF nhiều năm kinh nghiệm hoạt động tại lĩnh vực Lao động, Doanh nghiệp, Đầu tư cùng với các cố vấn nhân sự, tài chính;
- Quy trình bảo mật thông tin nghiêm ngặt trong suốt quá trình thực hiện dịch vụ và ngay cả khi dịch vụ được hoàn thành sau đó;
Bạn có thể tham thảo thêm:
- Quản lý hiệu quả quan hệ thử việc trong doanh nghiệp
- Kỹ năng kiểm tra, đánh giá thu thập thông tin khi xác lập hợp đồng
- Lưu ý gì khi soạn thảo điều khoản giao hàng trong hợp đồng mua bán (Phần 1)
- Lưu ý gì khi soạn thảo điều khoản giao hàng trong hợp đồng mua bán (Phần 2)