Chuyển lợi nhuận về Việt Nam và xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài

Ngày cập nhật: January 5 , 2024

Chuyển lợi nhuận về Việt Nam và xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài

Tiếp nối phần chia sẻ của chúng tôi tại bài viết trước về hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam. Tại bài viết này chúng tôi muốn lưu ý đến bạn các vấn đề về sử dụng lợi nhuận và các rủi ro nếu bạn thực hiện không đúng quy định pháp luật trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Thông qua việc hiểu rõ các thông tin pháp lý, các doanh nghiệp sẽ dự liệu được các công việc cần thực hiện trong quá trình đầu tư ra nước ngoài cũng như có kế hoạch sắp xếp cho việc sử dụng lợi nhuận phát sinh từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài.

Source: pexels-gotta-be-worth-it

1. Sử dụng lợi nhuận phát sinh từ hoạt động đầu tư ở nước ngoài như thế nào?

Tương tự như hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam, thì các doanh nghiệp ở Việt Nam khi thực hiện đầu tư ra nước ngoài sẽ được phép sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư cho hoạt động kinh doanh ở nước ngoài hoặc chuyển lợi nhuận về Việt Nam tùy thuộc vào nhu cầu của doanh nghiệp. Với mỗi nhu cầu sử dụng khoản lợi nhuận thì sẽ có những điều kiện riêng để áp dụng, cụ thể:

Sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư dự án ở nước ngoài

Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam được sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư thông qua một các hình thức gồm:

  • Tiếp tục góp vốn đầu tư ở nước ngoài trong trường hợp chưa góp đủ vốn theo đăng ký;
  • Tăng vốn đầu tư ra nước ngoài;
  • Thực hiện dự án đầu tư mới ở nước ngoài.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, doanh nghiệp Việt Nam khi sử dụng lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư ở nước ngoài để tăng vốn, mở rộng hoạt động đầu tư ở nước ngoài phải thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và phải có văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước trong vòng 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài điều chỉnh.

Trường hợp dùng lợi nhuận thu được từ dự án đầu tư ở nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư khác ở nước ngoài, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho dự án đầu tư đó và phải đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước.

Chuyển lợi nhuận, thu nhập hợp pháp và chuyển vốn đầu tư về Việt Nam

Trừ trường hợp giữ lại lợi nhuận, trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, nhà đầu tư phải chuyển oàn bộ lợi nhuận thu được và các khoản thu nhập khác từ đầu tư ở nước ngoài về Việt Nam.

Trường hợp trong thời hạn quy định mà không chuyển lợi nhuận và các khoản thu nhập khác về Việt Nam thì nhà đầu tư phải thông báo trước bằng văn bản cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thời hạn chuyển lợi nhuận về nước được kéo dài không quá 12 tháng kể từ ngày hết thời hạn.

Trường hợp quá thời hạn mà chưa chuyển lợi nhuận về nước và không thông báo hoặc trường hợp quá thời hạn được kéo dài mà nhà đầu tư chưa chuyển lợi nhuận về nước thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Xử phạt vi phạm khi doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định về đầu tư ra nước ngoài

Tùy thuộc vào mức độ của từng hành vi trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài mà doanh nghiệp phải chịu các mức phạt tương ứng và kèm theo đó là các biện pháp xử phạt bổ sung, khắc phục hậu quả.

Với trường hợp doanh nghiệp vi phạm về chế độ báo cáo hoạt động đầu tư ra nước ngoài:

Mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng sẽ được áp dụng khi doanh nghiệp có một trong các hành vi sau:

  • Không thực hiện chế độ báo cáo hoạt động đầu tư ra nước ngoài hoặc báo cáo không đầy đủ nội dung, không có tài liệu kèm theo theo quy định;
  • Không cập nhật hoặc cập nhật thông tin không đầy đủ, không chính xác, không đúng thời hạn quy định lên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư;
  • Lập báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ nội dung theo quy định;
  • Không thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư định kỳ theo quy định.

Và biện pháp khắc phục hậu quả mà doanh nghiệp phải thực hiện bên cạnh chế tài phạt nêu trên là: Buộc thực hiện chế độ báo cáo, cập nhật thông tin, buộc bổ sung các nội dung còn thiếu trong trường hợp báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đầy đủ nội dung …

Với trường hợp doanh nghiệp thực hiện không đúng về thủ tục đầu tư ra nước ngoài

  • Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không cập nhật lên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư các nội dung thay đổi khi đã quá thời hạn 01 tháng kể từ thời điểm dự án đầu tư ra nước ngoài có nội dung thay đổi không thuộc diện phải điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
  • Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Lập hồ sơ không hợp pháp, không trung thực, không chính xác để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; Dùng lợi nhuận thu được từ dự án đầu tư ở nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư khác ở nước ngoài nhưng không thực hiện thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho dự án đầu tư đó; Nhà đầu tư Việt Nam dùng cổ phần, phần vốn góp hoặc dự án đầu tư của mình tại Việt Nam để thanh toán hoặc hoán đổi cho việc mua cổ phần, phần vốn góp hoặc dự án đầu tư của tổ chức kinh tế ở nước ngoài nhưng không thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo quy định …
  • Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi đầu tư ra nước ngoài khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo quy định.
  • Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi đầu tư ra nước ngoài các ngành, nghề bị cấm đầu tư ra nước ngoài.

Đồng thời doanh nghiệp cũng phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả để hoạt động đầu tư ra nước ngoài được thực hiện đúng quy định. Trường hợp đầu tư ra nước ngoài với ngành nghề bị cấm thì doanh nghiệp sẽ bị buộc chấm dứt hoạt động đầu tư ra nước ngoài và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hoạt động đầu tư đó.

Trường hợp doanh nghiệp có vi phạm do không thực hiện đúng hoạt động đầu tư ra nước ngoài

Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng các nội dung về hoạt động đầu tư ra nước ngoài ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Không thực hiện đúng quy định về chuyển lợi nhuận và các khoản thu nhập từ việc đầu tư ra nước ngoài về Việt Nam theo quy định; Không thực hiện đúng quy định về chuyển vốn, tài sản hợp pháp và toàn bộ các khoản thu từ việc thanh lý dự án đầu tư về Việt Nam sau khi kết thúc hoạt động đầu tư ở nước ngoài.

Như vậy có thể thấy hiện nay việc quản lý các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài đang khá là chặt chẽ, điều này cũng xuất phát từ việc để hoạt động đầu tư của doanh nghiệp được thực hiện với đúng bản chất của đầu tư, không phải là một hình thức để hợp thức hóa việc chuyển tiền ra nước ngoài. Việc các doanh nghiệp có vi phạm trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài cũng là nguyên nhân dẫn đến những khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xin chấp thuận cho dự án đầu tư mới ở nước ngoài trong tương lai.

Thời gian viết bài: 04/01/2024

Bài viết ghi nhận thông tin chung có giá trị tham khảo, trường hợp bạn mong muốn nhận ý kiến pháp lý liên quan đến các vấn đề mà bạn đang vướng mắc, bạn vui lòng liên hệ với Luật sư của chúng tôi theo email info@cdlaf.vn

Vì sao chọn dịch vụ CDLAF

  • Chúng tôi cung cấp đến bạn giải pháp pháp lý hiệu quả và toàn diện, giúp bạn tiết kiệm ngân sách, duy trì sự tuân thủ trong doanh nghiệp;
  • Chúng tôi tiếp tục duy trì việc theo dõi vấn đề pháp lý của bạn ngay cả khi dịch vụ đã hoàn thành và cập nhật đến bạn khi có bất kỳ sự thay đổi nào từ hệ thống pháp luật Việt Nam;
  • Hệ thống biểu mẫu về doanh nghiệp, đầu tư được xây dựng và cập nhật liên tục sẽ cung cấp khi khách hàng yêu cầu, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục;
  • Doanh nghiệp cập nhật kịp thời các chính sách và phương thức làm việc tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Đội ngũ Luật sư của CDLAF nhiều năm kinh nghiệm hoạt động tại lĩnh vực Lao động, Doanh nghiệp, Đầu tư cùng với các cố vấn nhân sự, tài chính;
  • Quy trình bảo mật thông tin nghiêm ngặt trong suốt quá trình thực hiện dịch vụ và ngay cả khi dịch vụ được hoàn thành sau đó;

Bạn có thể tham thảo thêm:

    GỬI YÊU CẦU TƯ VẤN