Công ty mẹ, Công ty con và những điều cần lưu ý
Trong thời gian gần đây với những đứt gãy dây chuyền trong cùng một hệ thống các công ty đã đặt ra câu hỏi cho nhiều doanh nghiệp xoay quanh trách nhiệm pháp lý cũng như cơ cấu vốn trong mô hình công ty mẹ – công ty con. Trên thực tế, không ít trường hợp các công ty con xác lập các giao dịch hay được khách hàng tín nhiệm là dựa trên hình ảnh, hồ sơ năng lực của công ty mẹ, bởi đó là những công ty con của các công ty mẹ có uy tín trên thị trường. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp giữa các bên không tồn tại mối quan hệ mẹ – con, nhưng việc sử dụng tên gọi có những thành phần tên tương tự cùng với các nội dung truyền thông trong một số trường hợp đã dẫn đến sự nhầm lần cho khách hàng, đối tác.
Bài viết dưới đây, chúng tôi muốn chia sẻ đến các bạn mô hình công ty mẹ – công ty con và những điều cần lưu ý về trách nhiệm của các công ty mẹ con đối với bên thứ ba.
1. Công ty mẹ, công ty con là gì?
Không đơn thuần là các công ty trong cùng một hệ thống hoặc có sự khác biệt một phần trong tên gọi dẫn đến chúng ta hiểu nhầm rằng Công ty A là công ty mẹ của Công ty B và ngược lại. Để xác định giữa các bên có phải là mối quan hệ công ty mẹ con hay không, sẽ cần phải xem xét thông tin sau:
Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;
- Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;
- Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.
Để giải thích rõ hơn về mô hình công ty mẹ, công ty con, pháp luật về thuế đã đưa ra cách thức xác định một công ty là công ty mẹ của công ty khác như sau:
Một công ty được coi là công ty mẹ của một công ty khác nếu có quyền kiểm soát thông qua việc chi phối các chính sách tài chính và hoạt động nhằm thu được lợi ích kinh tế từ các hoạt động của công ty này mà không chỉ xét tới hình thức pháp lý, hay tên gọi của công ty đó. Công ty mẹ có quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động trong các trường hợp sau đây:
- Nắm giữ trên 50% quyền biểu quyết trực tiếp hoặc gián tiếp ở Công ty con. Trường hợp có sự khác biệt giữa tỷ lệ quyền biểu quyết theo giấy đăng ký kinh doanh và tỷ lệ quyền biểu quyết tính trên cơ sở vốn thực góp thì quyền biểu quyết được xác định theo điều lệ doanh nghiệp hoặc theo sự thống nhất giữa các bên;
- Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp bổ nhiệm hoặc bãi miễn đa số các thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty con;
- Có quyền bỏ đa số phiếu tại các cuộc họp của Hội đồng quản trị hoặc cấp quản lý tương đương;
- Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty con;
- Các nhà đầu tư khác thoả thuận dành cho công ty mẹ hơn 50% quyền biểu quyết;
- Có quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động theo quy chế thoả thuận.
Pháp luật về thuế cũng lưu ý rằng, khi xác định quyền kiểm soát của công ty mẹ, ngoài các quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp phải xem xét quyền biểu quyết tiềm năng phát sinh từ các quyền chọn mua hoặc các công cụ nợ và công cụ vốn có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông tại thời điểm hiện tại. Nếu các công cụ nợ và công cụ vốn nêu trên không được phép chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông tại thời điểm hiện tại, ví dụ không thể chuyển đổi trước một thời điểm nào đó trong tương lai hoặc cho đến khi một sự kiện trong tương lai xảy ra thì không được sử dụng để xác định quyền kiểm soát.
2. Giới hạn nào về Quyền, Nghĩa vụ của công ty mẹ đối với công ty con?
Công ty mẹ và công ty con đều là những tổ chức có tư cách pháp nhân, vì vậy sẽ tùy thuộc vào vai trò tham gia của công ty mẹ trong công ty con là thành viên, chủ sở hữu, cổ đông để thực hiện quyền và nghĩa vụ tương ứng theo quy định của pháp luật doanh nghiệp và điều lệ của Công ty con.
Về giao dịch giữa Công ty mẹ và công ty con, như đã đề cập đây là hai pháp nhân độc lập vì vậy pháp luật không có hạn chế việc giữa công ty mẹ và công ty con xác lập các giao dịch dân sự, thương mại. Tuy nhiên giao dịch giữa các bên được hiểu là giao dịch liên kết, vì vậy việc xác lập các giáo dịch sẽ cần phải đảm bảo giao dịch giữa các bên đang theo đúng giá thị trường, không làm ảnh hưởng đến nền kinh tế, nghĩa vụ thuế của các bên.
Công ty con thực hiện các giao dịch một cách độc lập và trường hợp công ty mẹ can thiệp ngoài thẩm quyền của chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông và buộc công ty con phải thực hiện hoạt động kinh doanh trái với thông lệ kinh doanh bình thường hoặc thực hiện hoạt động không sinh lợi mà không đền bù hợp lý trong năm tài chính có liên quan, gây thiệt hại cho công ty con thì công ty mẹ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại đó. Người quản lý công ty mẹ chịu trách nhiệm về việc can thiệp buộc công ty con thực hiện hoạt động kinh doanh trái vơi quy định sẽ phải liên đới cùng công ty mẹ chịu trách nhiệm về thiệt hại đó.
Trường hợp công ty mẹ không đền bù cho công ty con theo quy định thì chủ nợ hoặc thành viên, cổ đông có sở hữu ít nhất 01% vốn điều lệ của công ty con có quyền nhân danh chính mình hoặc nhân danh công ty con yêu cầu công ty mẹ đền bù thiệt hại cho công ty con. Trường hợp hoạt động kinh doanh do công ty con thực hiện đem lại lợi ích cho công ty con khác của cùng một công ty mẹ thì công ty con được hưởng lợi phải liên đới cùng công ty mẹ hoàn trả khoản lợi được hưởng cho công ty con bị thiệt hại.
Hoạt động mô hình giữa công ty mẹ – công ty con giúp các doanh nghiệp trong cùng hệ thống tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, mối quan hệ này được pháp luật kiểm soát chặt chẽ trên cả phương diện doanh nghiệp, chứng khoán, tài chính, nhằm đảm bảo các doanh nghiệp trong cùng hệ thống đang tuân thủ quy định pháp luật.
Thời gian viết bài: 27/07/2023
Bài viết ghi nhận thông tin chung có giá trị tham khảo, trường hợp bạn mong muốn nhận ý kiến pháp lý liên quan đến các vấn đề mà bạn đang vướng mắc, bạn vui lòng liên hệ với Luật sư của chúng tôi theo email info@cdlaf.vn
Vì sao chọn dịch vụ CDLAF
- Chúng tôi cung cấp đến bạn giải pháp pháp lý hiệu quả và toàn diện, giúp bạn tiết kiệm ngân sách, duy trì sự tuân thủ trong doanh nghiệp;
- Chúng tôi tiếp tục duy trì việc theo dõi vấn đề pháp lý của bạn ngay cả khi dịch vụ đã hoàn thành và cập nhật đến bạn khi có bất kỳ sự thay đổi nào từ hệ thống pháp luật Việt Nam;
- Hệ thống biểu mẫu về doanh nghiệp, đầu tư được xây dựng và cập nhật liên tục sẽ cung cấp khi khách hàng yêu cầu, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục;
- Doanh nghiệp cập nhật kịp thời các chính sách và phương thức làm việc tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Đội ngũ Luật sư của CDLAF nhiều năm kinh nghiệm hoạt động tại lĩnh vực Lao động, Doanh nghiệp, Đầu tư cùng với các cố vấn nhân sự, tài chính;
- Quy trình bảo mật thông tin nghiêm ngặt trong suốt quá trình thực hiện dịch vụ và ngay cả khi dịch vụ được hoàn thành sau đó;
Bạn có thể tham thảo thêm:
- Doanh nghiệp sản xuất và các vấn đè pháp lý liên quan địa điểm
- Những điều khoản quan trọng cần lưu ý trong Hợp đồng nhượng quyền thương mại (Phần 1)
- Những điều khoản quan trọng cần lưu ý trong Hợp đồng nhượng quyền thương mại (Phần 2)
- Hướng dẫn tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông đúng luật (Phần 1)
- Triệu tập và tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường đúng luật
- Hướng dẫn tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông đúng luật (Phần 2)
- Hợp đồng lao động hay hợp đồng dịch vụ tư vấn cá nhân
- Chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài
- Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi sa thải người lao động
- Các điều kiện mà nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý khi thực hiện đầu tư tại Việt Nam
- Mở thủ tục phá sản, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp và chủ nợ