Giấy Phép Lao Động Cho Người Lao Động Nước Ngoài Và Những Điểm Lưu Ý (Phần 2)
Tiếp theo chuỗi bài phân tích về Giấy phép lao động, theo đó tại Phần 1 CDLAF đã chia sẻ đến bạn một số điều kiện mà người lao động nước ngoài và doanh nghiệp cần phải đáp ứng trong quá trình xin cấp Giấy phép lao động. Với những thông tin đã chia sẻ, chúng tôi tin rằng mỗi doanh nghiệp sẽ tự đánh giá được khả năng người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại doanh nghiệp, có đủ điều kiện để được cấp Giấy phép lao động hay không.Tại Phần 2 này, chúng tôi muốn cung cấp đến doanh nghiệp và người lao động quy trình cũng như các tài liệu cần chuẩn bị để có thể nhận được Giấy phép lao động cho mục đích làm việc tại Việt Nam. Quy trình để xin cấp Giấy phép lao động được tóm gọn bởi 02 bước dưới đây:
1. Xin công văn chấp thuận sử dụng lao động nước ngoài
Thực tế thì đó chính là kết quả của công việc “Xin chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài”. Theo đó, sau khi lựa chọn được ứng viên phù hợp, doanh nghiệp nộp bộ hồ sơ đăng ký nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài. Hồ sơ này cần phải nộp trước ít nhất 30 ngày trước ngày người nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc tại Việt Nam.Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nộp đủ hồ sơ giải trình nhu cầu sử dụng lao động, doanh nghiệp sẽ nhận được văn bản chấp thuận. Trường hợp bị từ chối thì phía cơ quan có thẩm quyền cũng sẽ có văn bản trả lời cụ thể lý do từ chối.
2. Nộp hồ sơ để xin Giấy phép lao động và nhận kết quả
Sau khi nhận được công văn chấp thuận tại Bước 1, doanh nghiệp chuẩn bị bộ hồ sơ để nộp cho Bộ Lao động Thương Binh và Xã Hội hoặc Sở Lao động Thương Binh và Xã Hội nơi mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc. Hồ sơ sẽ phải nộp trước ít nhất 15 ngày trước ngày người lao động nước ngoài dự kiến làm việc. Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận bộ hồ sơ đầy đủ, phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ trả kết quả hồ sơ. Nếu hồ sơ được chấp thuận thì doanh nghiệp sẽ nhận được Giấy phép lao động, ngược lại trường hợp bị từ chối thì phía cơ quan cũng sẽ có văn bản trả lời với lý do cụ thể. Doanh nghiệp dựa trên lý do bị từ chối để lựa chọn phương án điều chỉnh, bổ sung hồ sơ cho phù hợp với quy định.
Tài liệu trong bộ hồ sơ xin cấp Giấy phép lao động gồm những gì?
Tại Bước 1, bạn sẽ cần nộp các tài liệu sau:
- Bản sao y Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Công văn giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài;
- Văn bản giới thiệu hoặc Giấy ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ (nếu người đi nộp hồ sơ không phải là người đại diện theo pháp luật).
Tại Bước 2, bạn sẽ cần nộp các tài liệu sau:
- Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động;
- Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe do cơ quan, tổ chức y tế có thẩm quyền của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp có giá trị trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày ký kết luận sức khỏe đến ngày nộp hồ sơ hoặc giấy chứng nhận có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
- Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp và không được quá 06 tháng, kể từ ngày cấp đến ngày nộp hồ sơ;
- Văn bản, giấy tờ chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật và một số nghề, công việc đặc thù;
- 2 ảnh màu (kích thước 4 cm x 6 cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ;
- Văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài trừ những trường hợp không phải xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài;
- Bản sao có chứng thực hộ chiếu và visa còn giá trị theo quy định của pháp luật;
- Và một số tài liệu khác tương ứng với từng hình thức mà người lao động làm việc tại Việt Nam (Quyết định bổ nhiệm, Điều lệ công ty mẹ, Hợp đồng lao động, Hợp đồng dịch vụ ….)
Sau khi doanh nghiệp nhận được kết quả là Giấy phép lao động, doanh nghiệp cần làm gì?
Lập Hợp đồng lao động, thực hiện các thủ tục về đăng ký BHXH, bảo hiểm y tế cho lao động nước ngoài là những công việc ban đầu mà doanh nghiệp cần thực hiện. Công việc tiếp theo doanh nghiệp phải làm là thực hiện các thủ tục cần thiết để người lao động có được thẻ tạm trú. Thẻ tạm trú sẽ có thời hạn theo thời hạn của Giấy phép lao động. Hiện nay Giấy phép lao động có thời hạn 02 năm thì thẻ tạm trú cũng sẽ có thời hạn cư trú tương ứng.Doanh nghiệp cần lưu ý rằng, để đảm bảo không có bất kỳ rủi ro phát sinh trong quá trình người lao động làm việc tại Việt Nam, thì doanh nghiệp – với tư cách là bên bảo lãnh – phải có kế hoạch quản lý Người lao động nước ngoài một cách chặt chẽ. Bởi trên thực tế không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng lúng túng khi người lao động ngừng việc giữa chừng và mọi thông tin liên lạc với người lao động bị cắt đứt, trong khi đó doanh nghiệp vẫn là bên đang bảo lãnh và Giấy phép lao động vẫn đang còn thời hạn.
Thời gian viết bài: 09/03/2023
Bài viết ghi nhận thông tin chung có giá trị tham khảo, trường hợp bạn mong muốn nhận ý kiến pháp lý liên quan đến các vấn đề mà bạn đang vướng mắc, bạn vui lòng liên hệ với Luật sư của chúng tôi theo email info@cdlaf.vn
Vì sao chọn dịch vụ CDLAF
- Chúng tôi cung cấp đến bạn giải pháp pháp lý hiệu quả và toàn diện, giúp bạn tiết kiệm ngân sách, duy trì sự tuân thủ trong doanh nghiệp;
- Chúng tôi tiếp tục duy trì việc theo dõi vấn đề pháp lý của bạn ngay cả khi dịch vụ đã hoàn thành và cập nhật đến bạn khi có bất kỳ sự thay đổi nào từ hệ thống pháp luật Việt Nam;
- Hệ thống biểu mẫu và quy trình về lao động, nhân sự, Sở hữu trí tuệ, Doanh nghiệp được xây dựng và cập nhật liên tục sẽ cung cấp ngay khi khách hàng có yêu cầu;
- Chúng tôi là công ty Luật Việt Nam, chúng tôi am hiểu tường tận quy định pháp luật Việt Nam, nắm bắt được tâm lý và phương thức làm việc tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Đội ngũ Luật sư của CDLAF nhiều năm kinh nghiệm hoạt động tại lĩnh vực Sở hữu trí tuệ, Doanh nghiệp cùng với các cố vấn sẽ giúp khách hàng giải quyết được vấn đề đang gặp phải.
- Quy trình bảo mật thông tin nghiêm ngặt trong suốt quá trình thực hiện dịch vụ và ngay cả khi dịch vụ được hoàn thành sau đó.
Bạn có thể tham thảo thêm:
- Thoả thuận Chấm dứt hợp đồng Lao động
- Lưu ý gì khi xây dựng Nội quy lao động
- Trình Tự Để Đăng Ký Nội Quy Lao Động
- Xung đột lợi ích và các hành vi bị xem là xung đột lợi ích
- Những lưu ý cần thiết để tránh xung đột lợi ích trong doanh nghiệp
- Hợp đồng Lao động có vô hiệu hoá khi không có Giấy phép lao động hay không
- Giấy phép lao động cho Người lao động nước ngoài và những điểm luu ý (Phần 1)
- Khi nào Doanh nghiệp không cần xin Giấy phép lao động