Hợp đồng lao động hay Hợp đồng dịch vụ tư vấn cá nhân

Ngày cập nhật: July 24 , 2023

Hợp đồng lao động hay Hợp đồng dịch vụ tư vấn cá nhân

Hiện nay hầu như các doanh nghiệp đều hiểu rằng pháp luật không có sự hạn chế hay quy định cấm doanh nghiệp và cá nhân xác lập hợp đồng dịch vụ, và điều này cũng không có sự hạn chế về đối tượng cá nhân là người Việt Nam hay người nước ngoài. Có lẽ vì vậy mà không ít doanh nghiệp hiện đang áp dụng hình thức Hợp đồng dịch vụ cá nhân cho đối tượng người nước ngoài, thay vì xác lập Hợp đồng lao động đi kèm với các thủ tục về Giấy phép lao động. Liệu cách hiểu và áp dụng như vậy của một số doanh nghiệp có đươc xem là phù hợp với quy định pháp luật và được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Bài viết dưới đây sẽ giúp các doanh nghiệp hiểu thêm về vấn đề này.

Source: pexels-athena

 

1. Hiểu Hợp đồng lao động và hợp đồng dịch vụ tư vấn cá nhân

Hợp đồng lao động được hiểu một cách đơn giản là văn bản ghi nhận lại thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động về công việc, tiền lương, quyền và nghĩa vụ giữa các bên… Trước đây, để ẩn đi mối quan hệ về lao động, một số doanh nghiệp đã xác lập thỏa thuận về công việc nhưng với tên gọi khác, tuy nhiên theo pháp luật lao động hiện hành thì sẽ có tồn tại quan hệ lao động hay không sẽ không phụ thuộc vào tên gọi của văn bản.

Hợp đồng dịch vụ tư vấn cá nhân được hiểu là một giao dịch dân sự ghi nhận thỏa thuận giữa các bên, cách hiểu này không có sự khác biệt giữa cá nhân người Việt Nam hay cá nhân người nước ngoài. Tuy nhiên với đối tượng là cá nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, để thuận tiện trong việc quản lý, pháp luật đặt ra quy định việc hiện diện của người nước ngoài tại Việt Nam để thực hiện dịch vụ phải gắn liền với tài liệu pháp lý nhất định. Điển hình, khi cá nhân người nước ngoài thực hiện công việc tại Việt Nam và nhận tiền công, chịu sự quản lý của doanh nghiệp, cá nhân người nước ngoài sẽ cần có Giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận miễn giấy phép lao động. Ngược lại với các trường hợp tham gia với tư cách nhà  đầu tư, cá nhân nước ngoài sẽ cần đến các văn bản liên quan đến dự án đầu tư tại Việt Nam.

2. Cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam có được không?

Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cùng đi tìm hiểu quy định của pháp luật liên quan.

Bản chất hoạt động cung ứng dịch vụ theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Luật Thương mại được hiểu như sau: “Cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận”

Như vậy hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa doanh nghiệp và cá nhân được hiểu là giữa các bên đang tồn tại mối quan hệ thương mại để thực hiện các hoạt động thương mại. Luật Thương mại cũng quy định rằng thương nhân thực hiện hoạt động thương mại sẽ phải đăng ký kinh doanh ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt sẽ không phải đăng ký kinh doanh. Các trường hợp này được hiểu là các cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động đ­ược pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác như­ng không thuộc đối t­ượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “th­ương nhân” theo quy định của Luật Thương mại” như buôn bán hàng rong, buôn bán quà vặt, sữa chữa xe, đánh giày …

Chính vì vậy, pháp luật chỉ xem xét đây là mối quan hệ thương mại, nếu bên cá nhân cung cấp dịch vụ có thực hiện hoạt động đăng ký kinh doanh, trường hợp không đăng ký kinh doanh sẽ được xem là mối quan hệ lao động. Do đó, trong trường hợp này các cơ quan có thẩm quyền thường sẽ yêu cầu bên doanh nghiệp phải cung cấp với tài liệu pháp lý liên quan đến người lao động nước ngoài như Giấy phép lao động và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật lao động.

Hiện tại có nhiều doanh nghiệp xác lập hợp đồng dịch vụ với cá nhân Việt Nam cũng như cá nhân nước ngoài và thực hiện các nghĩa vụ thuế đầy đủ. Điều này dẫn đến sự hiểu nhầm từ phía doanh nghiệp rằng, việc kê khai, nộp thuế đầy đủ và không có bất kỳ yêu cầu nào khác từ phía cơ quan thuế thì mặc định mối quan hệ dịch vụ này được xem là phù hợp quy định. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nên hiểu rằng, đối với nghĩa vụ thuế thì doanh nghiệp, cá nhân sẽ phải tự khai và tự chịu trách nhiệm. Cơ quan thuế tiếp nhận không đồng nghĩa với việc xác nhận doanh nghiệp đang thực hiện đúng quy định pháp luật, cũng như không xác định mối quan hệ giữa các bên là hợp pháp.

Để rõ hơn, chúng tôi trích dẫn ý kiến của cơ quan thuế tại một công văn trả lời doanh nghiệp  tại Việt Nam diễn ra:

Căn cứ các hướng dẫn trên, trường hợp Công ty TNHH Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội ký Hợp đồng với các bác sỹ người nước ngoài để thực hiện việc khám chữa bệnh cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội hoặc tại một cơ sở khác được chỉ định bởi Bệnh viện. Theo Hợp đồng ký giữa Bệnh viện và các bác sỹ người nước ngoài quy định cơ chế trả lương theo tuần mà không căn cứ vào khối lượng dịch vụ khám chữa bệnh của các bác sỹ người nước ngoài. Bệnh viện chịu trách nhiệm rủi ro nghề nghiệp, cung cấp phương tiện lao động, kiểm soát và chịu trách nhiệm về địa điểm lao động cho các bác sỹ người nước ngoài. Mặt khác, các bác sỹ người nước ngoài không phải là cá nhân có đăng ký kinh doanh. Như vậy, khoản thu nhập mà các bác sỹ người nước ngoài nhận được từ Bệnh viện là khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công. Việc xác định nghĩa vụ thuế TNCN của cá nhân không cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công được thực hiện theo Điều 18 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính.”

Thực tế nhiều doanh nghiệp áp dụng không có nghĩa là cách thức đó được pháp luật thừa nhận. Vì vậy, để tránh những rủi ro có thể phát sinh trong tương lai khi có tranh chấp, phía doanh nghiệp cần rà soát lại các hợp đồng đang thực hiện với các nhân nước ngoài để kịp thời điều chỉnh.

Thời gian viết bài: 24/07/2023

Bài viết ghi nhận thông tin chung có giá trị tham khảo, trường hợp bạn mong muốn nhận ý kiến pháp lý liên quan đến các vấn đề mà bạn đang vướng mắc, bạn vui lòng liên hệ với Luật sư của chúng tôi theo email info@cdlaf.vn

Vì sao chọn dịch vụ CDLAF

  • Chúng tôi cung cấp đến bạn giải pháp pháp lý hiệu quả và toàn diện, giúp bạn tiết kiệm ngân sách, duy trì sự tuân thủ trong doanh nghiệp;
  • Chúng tôi tiếp tục duy trì việc theo dõi vấn đề pháp lý của bạn ngay cả khi dịch vụ đã hoàn thành và cập nhật đến bạn khi có bất kỳ sự thay đổi nào từ hệ thống pháp luật Việt Nam;
  • Hệ thống biểu mẫu về doanh nghiệp, đầu tư được xây dựng và cập nhật liên tục sẽ cung cấp khi khách hàng yêu cầu, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục;
  • Doanh nghiệp cập nhật kịp thời các chính sách và phương thức làm việc tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Đội ngũ Luật sư của CDLAF nhiều năm kinh nghiệm hoạt động tại lĩnh vực Lao động, Doanh nghiệp, Đầu tư cùng với các cố vấn nhân sự, tài chính;
  • Quy trình bảo mật thông tin nghiêm ngặt trong suốt quá trình thực hiện dịch vụ và ngay cả khi dịch vụ được hoàn thành sau đó;

Bạn có thể tham thảo thêm:

    GỬI YÊU CẦU TƯ VẤN