Khi nào thì Thỏa thuận trọng tài không thực hiện được

Ngày cập nhật: December 29 , 2023

Khi nào thì Thỏa thuận trọng tài không thực hiện được

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bên cạnh cơ quan tài phán là Tòa án thì Trọng tài cũng được các bên lựa chọn nhiều để giải quyết tranh chấp. Thông thường sự lựa chọn này được ghi nhận ngay trong hợp đồng và được hiểu là một “Thỏa thuận trọng tài”, hiện nay thỏa thuận trọng tài được coi là một phương tiện linh hoạt giúp giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, như mọi phương pháp giải quyết khác, Thỏa thuận trọng tài cũng đối diện với những tình huống mà nó không thể thực hiện được, bởi ngay tại thời điểm xác lập thỏa thuận trọng tài thì những thỏa thuận này đã thuộc trường hợp mà pháp luật xác định “thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện”.

Vậy khi nào thì Thỏa thuận trọng tài không thực hiện được? Hãy cùng chúng tôi xem xét các tình huống mà ở đó thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện, thông qua bài viết dưới đây.

Source: Wendy Wei

 

1. Trường hợp nào thì Thỏa thuận trọng tài không thực hiện được?

Theo nguyên tắc về tố tụng thì khi các bên đã thỏa thuận Trọng tài là cơ quan sẽ giải quyết tranh chấp thì khi một bên khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lý, ngoại trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài là vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được. Đối với thỏa thuận trọng tài không thực hiện được, pháp luật Trọng tài thương mại quy định những trường hợp nào? đó là các trường hợp được liệt kê dưới đây:

  • Các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài cụ thể nhưng Trung tâm trọng tài này đã chấm dứt hoạt động màkhông có tổ chức trọng tài kế thừa, và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trung tâm trọng tài khác để giải quyết tranh chấp.
  • Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà Trọng tài viên không thể tham gia giải quyết tranh chấp, hoặc Trung tâm trọng tài, Tòa án không thể tìm được Trọng tài viên như các bên thỏa thuận và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế.
  • Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, Trọng tài viên từ chối việc được chỉ định hoặc Trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định Trọng tài viên và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế.
  • Các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài nhưng lại thỏa thuận áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác với Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài đã thỏa thuận và điều lệ của Trung tâm trọng tài do các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp không cho phép áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác và các bên không thỏa thuận được về việc lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thay thế.
  • Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn quy định tại Điều 17 Luật TTTMnhưng khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp.

Trong các trường hợp nêu trên thì thỏa thuận trọng tài liên quan đến hợp đồng mà một bên là người tiêu dùng là trường hợp thường phát sinh trên thực tế mà tại thời điểm xác lập hợp đồng các bên thường không chú ý. Theo đó với trường hợp này, là mặc dù tại thời điểm xác lập hợp đồng, người tiêu dùng không có sự phản đối với điều khoản chọn trọng tài, nhưng khi xảy ra tranh chấp trên thực tế thì điều khoản trọng tài sẽ không được áp dụng và mặc định người tiêu dùng có quyền chọn Tòa án để là cơ quan giải quyết tranh chấp, điều này được áp dụng trong một số trường hợp cụ thể như phân tích của chúng tôi tại mục 2 dưới đây.

2. Thỏa thuận trọng tài trong tranh chấp với người tiêu dùng và thực tế giải quyết của Tòa án

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định về vấn đề này như thế nào, cùng xem qua Điều 38 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo ghi nhận dưới đây:

“Điều 38. Hiệu lực của điều khoản trọng tài

Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải thông báo về điều khoản trọng tài trước khi giao kết hợp đồng và được người tiêu dùng chấp thuận. Trường hợp điều khoản trọng tài do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đưa vào hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung thì khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng là cá nhân có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác.”

Nếu theo điều khoản nêu trên sẽ hiểu rằng điều khoản trong tài sẽ được chấp nhận nếu bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ thông báo để người tiêu dùng hiểu rõ về việc áp dụng Trọng tài là cơ quan giải quyết tranh chấp và người tiêu dùng cũng đồng ý, thì trong trường hợp này Trọng tài sẽ là cơ quan tài phán được lựa chọn để giải quyết tranh chấp. Trường hợp điều khoản trọng tài được ghi nhận vào hợp đồng mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung, thì Trọng tài sẽ là cơ quan giải quyết tranh chấp nếu khi phát sinh tranh chấp trên thực tế, người tiêu dùng đồng ý chọn Trọng tài.

Thực tế cho thấy hầu hết các doanh nghiệp khi bán hàng hóa, cung ứng dich vụ đều chuẩn bị mẫu hợp đồng để cung cấp đến khách hàng, và đây cũng được xem là “hợp đồng theo mẫu” như nêu trên.Vì vậy để đảm bảo rằng điều khoản về trọng tài là được áp dụng khi tranh chấp không phụ thuộc vào sự đồng ý của người tiêu dùng thì bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ cần thực hiện bước thông tin đến người tiêu dùng về điều khoản trọng tài trong hợp đồng mẫu và nhận được sự đồng ý của người tiêu dùng. Quá trình này cần được ghi nhận cụ thể để làm căn cứ xác định rằng người tiêu dùng hiểu rõ về điều khoản trong tài trong Hợp đồng mẫu, và đồng ý lựa chọn Trọng tài làm cơ quan giải quyết tranh chấp. Vấn đề về quyền chọn cơ quan giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng đã được ghi nhận tại Án lệ số 42/2021/AL ngày 24 tháng 02 năm 2021.

Trích dẫn nội dung án lệ như sau:

“[9] Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ số PBRC -S-064621 thuộc loại hợp đồng soạn sẵn do nhà cung cấp dịch vụ đưa ra, soạn sẵn quy định thỏa thuận trọng tài, nay nguyên đơn là người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn trọng tài và yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang giải quyết là phù hợp Điều 38 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Điều 17 Luật Trọng tài thương mại và hướng dẫn tại Khoản 5 Điều 4 của Nghị quyết số 01/2014/NQ -HĐTP ngày 20.03.2014 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Do đó Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang thụ lý và giải quyết tranh chấp là đúng thẩm quyền theo khoản 3 Điều 26, Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự và còn trong thời hiệu khởi kiện quy định tại Điều 429 Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự”

Như vậy về phía nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ mà bên mua là người tiêu dùng thì nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ cần hiểu rõ về việc thỏa thuận trọng tài sẽ không đương nhiên được áp dụng nếu như người tiêu dùng không hiểu rõ về điều khoản trọng tài trong hợp đồng mẫu hay điều khoản chung mà doanh nghiệp áp dụng.

Thời gian viết bài: 28/12/2023

Bài viết ghi nhận thông tin chung có giá trị tham khảo, trường hợp bạn mong muốn nhận ý kiến pháp lý liên quan đến các vấn đề mà bạn đang vướng mắc, bạn vui lòng liên hệ với Luật sư của chúng tôi theo email info@cdlaf.vn

Vì sao chọn dịch vụ CDLAF

  • Chúng tôi cung cấp đến bạn giải pháp pháp lý hiệu quả và toàn diện, giúp bạn tiết kiệm ngân sách, duy trì sự tuân thủ trong doanh nghiệp;
  • Chúng tôi tiếp tục duy trì việc theo dõi vấn đề pháp lý của bạn ngay cả khi dịch vụ đã hoàn thành và cập nhật đến bạn khi có bất kỳ sự thay đổi nào từ hệ thống pháp luật Việt Nam;
  • Hệ thống biểu mẫu về doanh nghiệp, đầu tư được xây dựng và cập nhật liên tục sẽ cung cấp khi khách hàng yêu cầu, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục;
  • Doanh nghiệp cập nhật kịp thời các chính sách và phương thức làm việc tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Đội ngũ Luật sư của CDLAF nhiều năm kinh nghiệm hoạt động tại lĩnh vực Lao động, Doanh nghiệp, Đầu tư cùng với các cố vấn nhân sự, tài chính;
  • Quy trình bảo mật thông tin nghiêm ngặt trong suốt quá trình thực hiện dịch vụ và ngay cả khi dịch vụ được hoàn thành sau đó;

Bạn có thể tham thảo thêm:

    GỬI YÊU CẦU TƯ VẤN