Khung pháp lý chung về bản quyền phần mềm tại Việt Nam

Ngày cập nhật: April 27 , 2024

Khung pháp lý chung về bản quyền phần mềm tại Việt Nam

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, việc bảo vệ bản quyền phần mềm không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững và cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành công nghệ. Đối với Việt Nam, một quốc gia đang trên đà hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc xây dựng và củng cố khung pháp lý về bản quyền phần mềm là hết sức cần thiết để tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Bài viết này sẽ cung cấp một cái nhìn tổng quan về “Khung Pháp Lý Chung về Bản Quyền Phần Mềm tại Việt Nam”, thông qua các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia như WTO, CPTPP, và EVFTA, và ảnh hưởng của chúng đối với các doanh nghiệp trong nước.

Source: Pexelpixapay

1. Các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên

Việt Nam, một thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) kể từ năm 2007, đã cam kết tuân thủ các quy định của Hiệp định về các Khía cạnh liên quan đến Thương mại của Quyền Sở hữu Trí tuệ (TRIPS).

Hiệp định TRIPS yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên phải cung cấp một mức độ bảo vệ nhất định đối với quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm cả bản quyền phần mềm. Các tiêu chuẩn bảo vệ này đảm bảo rằng các tác phẩm sáng tạo, bao gồm phần mềm máy tính, phải được bảo hộ bản quyền theo luật quốc gia nhưng không được dưới mức bảo vệ mà TRIPS quy định.

Điều 10 của Hiệp định TRIPS quy định rõ ràng rằng các chương trình máy tính, dù được biểu hiện dưới dạng mã nguồn hoặc mã nguồn máy, đều phải được bảo hộ như các tác phẩm văn học theo Công ước Berne. Điều này yêu cầu các nước thành viên, bao gồm Việt Nam, phải bảo hộ bản quyền phần mềm.

“Các chương trình máy tính và các bộ sưu tập dữ liệu

  1. Các chương trình máy tính, dù dưới dạng mã nguồn hay mã máy, đều phải được bảo hộ như tác phẩm văn học theo Công ước Berne (1971).
  2. Các bộ sưu tập dữ liệu hoặc tư liệu khác, dù dưới dạng đọc được bằng máy hay dưới dạng khác, mà việc tuyển chọn hoặc sắp xếp nội dung chính là thành quả của hoạt động trí tuệ đều phải được bảo hộ. Việc bảo hộ nói trên, với phạm vi không bao hàm chính các dữ liệu hoặc tư liệu đó, không được làm ảnh hưởng tới bản quyền đang tồn tại đối với chính dữ liệu hoặc tư liệu đó.”

Hiệp định TRIPS cũng đặt ra yêu cầu cho các thành viên trong việc phải xây dựng và đảm bảo các thủ tục thực thi tại pháp luật quốc gia của mỗi nước thành viên là phải đảm bảo lợi ích thương mại của các bên có liên quan trên cơ sở thực thi quyền sở hữu trí tuệ một cách đúng đắn và công bằng.

“Điều 41

  1. Các Thành viên phải bảo đảm rằng các thủ tục thực thi quyền nêu tại Phần này phải được quy định trong luật quốc gia của mình để tạo khả năng khiếu kiện có hiệu quả đối với mọi hành vi xâm phạm các loại quyền sở hữu trí tuệ được đề cập trong Hiệp định này, trong đó có những biện pháp chế tài khẩn cấp nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm và những biện pháp chế tài nhằm ngăn chặn không để các hành vi xâm phạm tiếp diễn. Các thủ tục đó phải được áp dụng theo cách thức nhằm tránh tạo ra các hàng rào cản trở hoạt động thương mại hợp pháp và nhằm quy định các biện pháp bảo đảm cho các thủ tục đó không bị lạm dụng.
  2. Các thủ tục liên quan đến việc thực thi các quyền sở hữu trí tuệ phải đúng đắn và công bằng. Các thủ tục đó không được phức tạp hoặc tốn kém quá mức, không được quy định những thời hạn bất hợp lý hoặc việc trì hoãn vô thời hạn.”

Ngoài ra, Việt Nam cũng là thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA). Cả hai hiệp định này đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có bản quyền phần mềm.

Hiệp định CPTPP, được ký kết bởi 11 quốc gia, đòi hỏi các quốc gia thành viên phải tuân thủ các tiêu chuẩn cao hơn so với TRIPS về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. CPTPP tập trung vào việc cung cấp một khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ cho quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời tăng cường thực thi pháp luật để đối phó với việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên nền tảng số và xuyên biên giới, điều này bao gồm cả các vấn đề liên quan đến phần mềm. Điển hình có thể thấy Chương 18 của Hiệp định đã đưa ra yêu cầu cho việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm cả bản quyền phần mềm. Các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, cam kết cung cấp bảo vệ không chỉ cho phần mềm mà còn cho các tài liệu đi kèm và dữ liệu được tạo ra bởi phần mềm đó.

“2. Mỗi Bên phải xác nhận rằng các trình tự, thủ tục thi hành nêu trong Điều 18.74 (Thủ tục và Biện pháp dân sự và hành chính), 18.75 (Các biện pháp tạm thời) và Điều 18.77 (Các biện pháp và hình phạt hình sự) phải phù hợp với các hành vi xâm phạm quyền về nhãn hiệu, bản quyền hay các quyền liên quan trong lĩnh vực kỹ thuật số.

  1. Mỗi Bên phải cam kết các trình tự, thủ tục liên quan đến việc thực thi các quyền sở hữu trí tuệ phải thể hiện tính công bằng và bình đẳng.  Các trình tự, thủ tục này không cần thiết phải quá phức tạp và tốn kém hay phát sinh thêm các quy định về thời hạn hoặc các trường hợp trì hoãn không thỏa đáng. “

Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) cũng đã đưa ra các yêu cầu tương tự như CPTPP. Hiệp định này không chỉ mở rộng thị trường cho các sản phẩm và dịch vụ, mà còn đặt ra các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Điều này đảm bảo rằng các doanh nghiệp từ EU có thể an tâm khi đầu tư vào Việt Nam, biết rằng sản phẩm phần mềm và các tài sản trí tuệ khác của họ sẽ được bảo vệ một cách thích đáng.

2. Pháp luật quốc gia và sự điều chỉnh phù hợp

Những cam kết của Việt Nam tại các điều ước quốc tế không chỉ thể hiện rõ ràng trong văn bản các hiệp định mà còn được phản ánh trong các bước điều chỉnh và cập nhật luật pháp trong nước của Việt Nam để đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ bản quyền phần mềm và quyền sở hữu trí tuệ nói chung.

Việt Nam đã tiến hành sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ vào năm 2009 và sau đó là vào năm 2019 để phù hợp với các cam kết trong WTO, CPTPP và EVFTA. Sửa đổi bao gồm việc mở rộng phạm vi bảo hộ bản quyền, cải thiện các biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ, và tăng cường bảo vệ cho các nhà sáng tạo và chủ sở hữu quyền trí tuệ, bao gồm cả bản quyền phần mềm.

Để thúc đẩy cho quá trình Việt Nam thực thi những cam kết tại các Điều ước quốc tế, thì bên cạnh việc điều chỉnh pháp luật quốc gia, trong những năm gần đây các buổi hội thảo, giao lưu trong và ngoài nước thường xuyên được tổ chức, cho mục đích chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng năng lực, và thực thi pháp luật về bản quyền phần mềm.

Phát triển hệ thống giám sát và thực thi, theo đó Chính phủ Việt Nam đã tăng cường năng lực của các cơ quan thực thi luật như Cục Bản quyền Tác giả, Cục Sở hữu Trí tuệ để giám sát và xử lý các vụ vi phạm bản quyền phần mềm một cách hiệu quả hơn. Điều này nhằm đảm bảo rằng các quy định quốc tế về bảo vệ bản quyền được áp dụng một cách nghiêm ngặt trong nội địa.

Với tốc độ phát triển công nghệ hiện nay thì việc các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ luôn có những cập nhật, điều chỉnh để đảm báo các quy định pháp luật tương thích và điều chỉnh được các vấn đề liên quan đến phần mềm là điều mà chúng ta dễ dàng nhận thấy. Mặc dù vậy, với sự phát triển nhanh về công nghệ như hiện nay tại Việt Nam cũng như xu hướng rót vốn đầu tư trong lĩnh vực phần mềm từ các Nhà đầu tư, Quỹ đầu tư trong thời gian gần đây thì xét thấy Chính phủ cần có những nỗ lực hơn nữa để xây dựng khung pháp lý vững chắc, cùng với nâng cao năng lực của đội ngũ phụ trách tại các cơ quan có thẩm quyền.

Thời gian viết bài: 22/04/2024

Bài viết ghi nhận thông tin chung có giá trị tham khảo, trường hợp bạn mong muốn nhận ý kiến pháp lý liên quan đến các vấn đề mà bạn đang vướng mắc, bạn vui lòng liên hệ với Luật sư của chúng tôi theo email info@cdlaf.vn

Vì sao chọn dịch vụ CDLAF

  • Chúng tôi cung cấp đến bạn giải pháp pháp lý hiệu quả và toàn diện, giúp bạn tiết kiệm ngân sách, duy trì sự tuân thủ trong doanh nghiệp;
  • Chúng tôi tiếp tục duy trì việc theo dõi vấn đề pháp lý của bạn ngay cả khi dịch vụ đã hoàn thành và cập nhật đến bạn khi có bất kỳ sự thay đổi nào từ hệ thống pháp luật Việt Nam;
  • Hệ thống biểu mẫu về doanh nghiệp, đầu tư được xây dựng và cập nhật liên tục sẽ cung cấp khi khách hàng yêu cầu, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục;
  • Doanh nghiệp cập nhật kịp thời các chính sách và phương thức làm việc tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Đội ngũ Luật sư của CDLAF nhiều năm kinh nghiệm hoạt động tại lĩnh vực Lao động, Doanh nghiệp, Đầu tư cùng với các cố vấn nhân sự, tài chính;
  • Quy trình bảo mật thông tin nghiêm ngặt trong suốt quá trình thực hiện dịch vụ và ngay cả khi dịch vụ được hoàn thành sau đó;

Bạn có thể tham thảo thêm:

    GỬI YÊU CẦU TƯ VẤN