Kiểm soát rủi ro khi đơn phương chấm dứt hợp đồng kinh tế
Khi nói đến việc đơn phương chấm dứt một hợp đồng kinh tế hay chúng ta thường gọi với tên gọi hợp đồng thương mại, không chỉ là việc kết thúc một giao dịch thương mại, mà còn là việc đặt ra hàng loạt vấn đề pháp lý, tài chính và thậm chí là các vấn đề liên quan đến phạt hợp đồng, bồi thường thiệt hại cũng như các vấn đề pháp lý khác. Chính vì vậy việc đơn phương chấm dứt hợp đồng sẽ đòi hỏi bên đưa ra yêu cầu đơn phương phải cẩn trọng trong phương thức đơn phương cũng như hiểu rõ nội dung thỏa thuận của các bên trong Hợp đồng.
Tại bài viết dưới đây chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn các vấn đề cần lưu ý khi soạn thảo điều khoản đơn phương trong Hợp đồng cũng như cách thức để đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng luật.
1. Pháp luật quy định như thế nào về đơn phương chấm dứt hợp đồng
Chấm dứt hợp đồng trước thời hạn theo ý chí của một trong các bên được hiểu là hành động đơn phương từ một bên với mong muốn chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của bên đó với bên còn lại liên quan đến hợp đồng.
Theo đó, Điều 428 Bộ luật dân sự đã quy định về đơn phương như sau:
“Điều 428. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng
- Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
- Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
- Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện.
- Bên bị thiệt hại do hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên kia được bồi thường.
- Trường hợp việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng không có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này thì bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan do không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng.”
Theo quy định trên được hiểu rằng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn của một bên trong hợp đồng sẽ dựa trên (i) khi một bên có hành vi vi phạm nghiệm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng, (ii) theo quy định của pháp luật, (iii) các bên thỏa thuận các trường hợp là cơ sở để một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Trong đó đối với:
- (i) Yếu tố chấm dứt hợp đồng thuộc về “Hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của hợp đồng hoặc pháp luật có quy định riêng”. Theo đó, khi một bên nhận thấy bên còn lại có hành vi mà hành vi vi phạm mà đó là vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của hợp đồng, thì bên bị vi phạm có quyền đơn phương. Tuy nhiên điều này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho bên đơn phương nếu bên đơn phương không xác định được mức độ vi phạm của bên còn lại ở mức nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng. Trong một số trường hợp bên đơn phương cho rằng đó là vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng tuy nhiên không được Tòa án chấp nhận, và vô hình trung việc đơn phương đang gây thiệt hại cho bên còn lại, và bên đơn phương phải gánh chịu các rủi ro về bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm hợp đồng.
- (ii) Đơn phương do pháp luật có quy định, như vậy bên đơn phương sẽ cần phải kiểm tra lại trường hợp của mình có thuộc các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng theo các quy định của pháp luật hay không. Điều này thực tế sẽ khó khăn cho doanh nghiệp bởi hiện nay pháp luật không quy định rõ ràng vấn đề này, bạn sẽ cần đến sự tư vấn của Luật sư hoặc bộ phận pháp chế doanh nghiệp của bạn để cùng xem xét một cách cẩn trọng vấn đề mà doanh nghiệp bạn đang gặp phải, và tìm kiếm các hành lang pháp lý đang điều chỉnh vấn đề này.
- (iii) Phát sinh các sự kiện được các bên thỏa thuận trong hợp đồng và xác định là cơ sở để một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Trong trường hợp này Hợp đồng sẽ ghi nhận rõ một bên được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn khi sự kiện nào phát sinh. Đây được xem là cơ sở rõ ràng nhất để một bên dựa vào để xác định có hay không phát sinh quyền đơn phương mà không phải đi chứng minh hành vi vi phạm của bên kia có đang bị xem là vi phạm nghiệm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hay không.
Bản chất của các giao dịch dân sự, hợp đồng thương mại là ghi nhận sự thỏa thuận của các bên với điều kiện thỏa thuận đó không trái phápp luật, trái đạo đức xã hội. Chính vì vậy để ràng buộc trách nhiệm của các bên trong hợp đồng, cũng như buộc các bên nghiêm túc, tuân thủ đối với những nội dung mà các bên đã cam kết, pháp luật cho phép các bên được ghi nhận trong hợp đồng các trường hợp mà khi phát sinh thì một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.
2. Hình thức đơn phương chấm dứt hợp đồng như thế nào?
Các nội dung chúng tôi chia sẻ tại mục 1 nêu trên sẽ hiểu như phần điều kiện cần để xác định có cơ sở để đơn phương chấm dứt hợp đồng hay không, vậy điều kiện đủ sẽ là gì? Điều kiện đủ ở đây là điều kiện về hình thức, phương thức đơn phương chấm dứt hợp đồng. Hiện pháp luật chưa quy định một cách rõ ràng về hình thức thông báo đơn phương cũng như thời gian thông báo trước là bao lâu, mà chỉ ghi nhận một cách chung chung cho mục đích doanh nghiệp vận dụng vào trường hợp riêng biệt của mình.
Vấn đề đặt ra sẽ là, hình thức của thông báo sẽ là văn bản giao tay trực tiếp, hay chuyển phát nhanh, hay thông báo qua phương tiện điện tử như email, fax… điều này sẽ tùy thuộc vào thỏa thuận của các bên trong hợp đồng, pháp luật không quy định cụ thể.
Thời gian thông báo trước là bao lâu hay chấm dứt ngay lập tức? Điều 520 Bộ luật Dân sự 2015 quy định riêng cho loại hợp đồng dịch vụ, theo đó bên đơn phương phải thông báo trước một khoảng thời gian hợp lý, nhưng thời gian như thế nào là hợp lý thì pháp luật không hướng dẫn. Quy định này cũng tương tự với các loại hợp đồng thuê khoán, hợp đồng dịch vụ vận chuyển, hợp đồng gia công và một số loại hợp đồng khác. Để tránh việc tranh chấp sau này liên quan đến thời gian thông báo trước, thì ngay trong hợp đồng các bên cần thỏa thuận rõ ràng về việc khi một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng thì thời gian thông báo trước là bao lâu, thời gian thông báo trước này có áp dụng cho tất cả các vi phạm hay không hay với một số trường hợp đặc biệt các bên đồng ý rút ngắn thời gian thông báo trước. Thời gian thông báo trước sẽ được tính từ thời điểm nào cho phù hợp với hình thức gửi thông báo cũng là một trong các điểm mà các bên cần làm rõ trong hợp đồng.
3. Rủi ro gì khi doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng không đúng quy định pháp luật
Pháp luật quy định rất rõ rằng, khi bên đơn phương chấm dứt hợp đồng trái quy định pháp luật hay không thuộc các trường hợp theo thỏa thuận, hay thông báo trước nhưng thời gian thông báo không hợp lý thì chính bên đơn phương chấm dứt hợp đồng sẽ là bên phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm hợp đồng cho bên còn lại tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Về vấn đề này, quan điểm giải quyết của Tòa án tại Án lệ số 21/2018/AL về lỗi và thiệt hại trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê tài sản sẽ là câu trả lời đầy đủ nhất cho câu hỏi “Vì sao doanh nghiệp cần cẩn trọng khi soạn thảo điều khoản đơn phương trong Hợp đồng?”. Án lệ được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17 tháng 10 năm 2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06 tháng 11 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, trích dẫn Án lệ như sau:
“[1] Ngày 10-4-2006, Công ty D cho Công ty cổ phần C thuê hai đầu máy vỏ thép và lai dắt tàu ra vào tại cảng 10-10 và cảng Khe Dây Quảng Ninh, có hiệu lực từ ngày ký đến ngày 31-12-2006 theo Hợp đồng kinh tế số 1141/HĐ-CNQN. Trong hợp đồng không có thỏa thuận về điều kiện chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, đến ngày 17-8-2006, Công ty cổ phần C có Văn bản số 2349/INDEVCO thông báo chấm dứt hợp đồng từ ngày 20-8-2006 với lý do “không có nhu cầu thuê 2 đầu máy”. Thời gian Công ty cổ phần C ra văn bản thông báo đến khi chấm dứt hợp đồng là quá ngắn, đã gây thiệt hại cho Công ty D do không thể có được hợp đồng khác thay thế ngay. Lỗi thuộc về Công ty cổ phần C nên phải chịu trách nhiệm đối với khoản thiệt hại đã gây ra cho Công ty D. Thiệt hại thực tế cần xem xét là khoản tiền cho thuê phương tiện trong thời gian còn lại của hợp đồng.”
Như vậy, để hạn chế rủi ro chính doanh nghiệp của bạn sẽ phải cần lưu ý đến việc xây dựng điều khoản đơn phương trong hợp đồng một cách thật chi tiết, rõ ràng. Mặc dù trên thực tế không ít trường hợp doanh nghiệp cho rằng việc ghi nhận như trễn sẽ là quá chi tiết và không cần thiết. Tuy nhiên điều đó có thể đúng tại thời điểm ban đầu xác lập hợp đồng, mối quan hệ giữa các bên vẫn tốt đẹp và không có bất kỳ mâu thuẫn nào. Nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên mới đánh giá được chất lượng hàng hóa, dịch vụ cũng như sự tuân thủ của bên còn lại, từ đó mới xác định được việc tiếp tục thực hiện hợp đồng hay dừng lại.
Khi xác định dừng lại hợp đồng, doanh nghiệp sẽ cần xem xét và cân nhắc một cách thận trọng nội dung của hợp đồng để đảm bảo rằng, doanh nghiệp được phép chấm dứt hợp đồng và để chấm dứt hợp đồng doanh nghiệp sẽ cần phải thực hiện các thao tác nào. Tất cả những nội dung này cần được hướng dẫn một cách chi tiết trong hợp đồng, đây sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc để doanh nghiệp áp dụng khi phát sinh vấn đề đơn phương. Bên cạnh đó, việc ghi nhận chi tiết cũng sẽ giúp doanh nghiệp tránh được các rủi ro pháp lý về bồi thường thiệt hại hay phạt vi phạm hợp đồng.
Thời gian viết bài: 24/10/2023
Bài viết ghi nhận thông tin chung có giá trị tham khảo, trường hợp bạn mong muốn nhận ý kiến pháp lý liên quan đến các vấn đề mà bạn đang vướng mắc, bạn vui lòng liên hệ với Luật sư của chúng tôi theo email info@cdlaf.vn
Vì sao chọn dịch vụ CDLAF
- Chúng tôi cung cấp đến bạn giải pháp pháp lý hiệu quả và toàn diện, giúp bạn tiết kiệm ngân sách, duy trì sự tuân thủ trong doanh nghiệp;
- Chúng tôi tiếp tục duy trì việc theo dõi vấn đề pháp lý của bạn ngay cả khi dịch vụ đã hoàn thành và cập nhật đến bạn khi có bất kỳ sự thay đổi nào từ hệ thống pháp luật Việt Nam;
- Hệ thống biểu mẫu về doanh nghiệp, đầu tư được xây dựng và cập nhật liên tục sẽ cung cấp khi khách hàng yêu cầu, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục;
- Doanh nghiệp cập nhật kịp thời các chính sách và phương thức làm việc tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Đội ngũ Luật sư của CDLAF nhiều năm kinh nghiệm hoạt động tại lĩnh vực Lao động, Doanh nghiệp, Đầu tư cùng với các cố vấn nhân sự, tài chính;
- Quy trình bảo mật thông tin nghiêm ngặt trong suốt quá trình thực hiện dịch vụ và ngay cả khi dịch vụ được hoàn thành sau đó;
Bạn có thể tham thảo thêm:
- Công ty mẹ, Công ty con và những điều cần lưu ý
- Những quy định mới nhất về khoản vay nước ngoài 2023
- Thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu theo quy định mới nhất
- Lưu ý gì khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trong kinh doanh
- Hướng dẫn Nhà đầu tư nước ngoài tra cứu ngành nghề kinh doanh theo biểu WTO
- 8 điểm mới quan trọng về Giấy phép lao động có hiệu lực kể từ ngày 18/9/2023