Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật đấu giá tài sản – một số điểm mới đáng chú ý

Ngày cập nhật: February 20 , 2025

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật đấu giá tài sản – một số điểm mới đáng chú ý

Pháp luật về đấu giá tài sản là cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản, đảm bảo sự minh bạch, công khai và bình đẳng giữa các chủ thể tham gia. Vào ngày 01/01/2025 vừa qua, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (gọi tắt là “Luật Đấu giá tài sản sửa đổi, bổ sung 2024”) đã chính thức có hiệu lực, trong đó có một số nội dung thay đổi đáng chú ý so với Luật Đấu giá tài sản năm 2016 mà các doanh nghiệp và người dân cần nắm trong quá trình tham gia đấu giá tài sản.

Source: pexels-asphotograpy-101808

1. Điều chỉnh về tài sản phải thông qua bán đấu giá

Theo như Điều 1 Luật Đấu giá sửa đổi, bổ sung năm 2024 sửa đổi, bổ sung Điều 4 của Luật Đấu giá tài sản 2016 có điều chỉnh quan trọng tại điểm d) và điểm l) đó là bổ sung thêm tài sản bán đấu giá là “Quyền sử dụng mã, số viễn thông và tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” theo quy định của pháp luật về viễn thông”, trong khi đó bãi bỏ đấu giá tài sản là “Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước”. Còn lại, nhìn chung không có nhiều sự thay đổi về bản chất của quy định mới trong việc xác định loại tài sản mà pháp luật quy phải đấu giá.

2. Bổ sung hành vi bị cấm của người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác

Để nhằm phòng tránh các hành vi thông đồng “dìm” giá, thiếu minh bạch, khách quan, Luật Đấu giá tài sản sửa đổi, bổ sung năm 2024 đã bổ sung thêm điểm d1), d2) và d3) vào sau điểm d) khoản 5 Điều 9 của Luật Đấu giá tài sản 2016 như sau:

  • Thứ nhất, không được có hành vi nhận ủy quyền tham gia đấu giá khác đối với tài sản mà mình cũng là người tham gia đấu giá tài sản đó; và cũng không được nhận ủy quyền tham gia đấu giá của từ hai người tham gia đấu giá trở lên đối với cùng một loại tài sản.
  • Thứ hai, không được tham dự phiên đấu giá trong khi vợ, chồng, anh ruột, chị ruột, em ruột cũng là người tham gia đấu giá đối với tài sản đó.
  • Thứ ba, không được tham dự phiên đấu giá trong trường hợp công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp cũng là người tham gia đấu giá đối với tài sản đó.

3. Quy định về Đấu giá trực tuyến

Một trong những điểm mới rất đáng chú ý đó là Luật Đấu giá sửa đổi, bổ sung 2024 đã bổ sung thêm quy định tại Điều 43a và 43b Luật Đấu giá tài sản 2016 về hình thức đấu giá trực tuyến và trình tự thủ tục đấu giá trực tuyến. Khi đó, việc đấu giá trực tuyến được thực hiện thông qua Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc trang thông tin đấu giá trực tuyến.

Về trình tự, thủ tục tham gia đấu giá trực tuyến cũng được hướng dẫn cụ thể tại Điều 11 của Nghị định 172/2024/NĐ-CP, cụ thể:

  • Người tham gia đấu giá mua hồ sơ mời tham gia đấu giá và đăng ký tài khoản truy cập trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến.

Người tham gia cần đăng nhập tài khoản truy cập để được hướng dẫn mua hồ sơ, nộp hồ sơ, nộp tiền đặt trước, cách thức đấu giá, trả giá và các nội dung khác khi tham gia đấu giá trực tuyến

  • Người tham gia đấu giá nộp hồ sơ tham gia đấu giá và tiền đặt trước hợp lệ thì được sử dụng tài khoản truy cập để tham dự phiên đấu giá theo Quy chế cuộc đấu giá.

Người đã đủ điều kiện tham gia đấu giá phải truy cập tài sản đã được cấp để điểm danh việc tham dự phiên đấu giá theo thời gian đã được quy định trong Quy chế đấu giá. Mỗi người tham gia đấu giá sẽ được tham gia trả giá theo mã số riêng.

Chỉ loại trừ trường hợp gặp bất khả kháng, nếu người đủ điều kiện tham gia đấu giá không truy cập tài khoản đã được cấp để điểm danh tham dự phiên đấu giá theo thời gian được quy định trong Quy chế đấu giá thì sẽ được coi là không tham dự phiên đấu giá.

  • Thời gian trả giá do tổ chức hành nghề đấu giá bàn bạc, thỏa thuận với người có tài sản đấu giá nhưng không được quá 15 phút. Trường hợp người trả giá cao nhất rút lại giá đã trả trong khoảng thời gian 01 phút trước thời điểm kết thúc phiên đấu giá thì thời gian trả giá được gia hạn thêm 03 phút sau thời điểm kết thúc phiên đấu giá.
  • Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phân công đấu giá viên, Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng phân công thành viên điều hành phiên đấu giá trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc trang thông tin đấu giá trực tuyến.
  • Việc xác định người trúng đấu giá như sau:
  • Nếu thuộc trường hợp thực hiện bằng phương thức trả giá lên thì người trúng đấu giá là người trả giá cao nhất được hệ thống đấu giá ghi nhận.
  • Nếu thuộc trường hợp thực hiện phương thức trả giá xuống thì người trúng đấu giá là người đầu tiên chấp nahanj mức giá khởi điểm hoặc giá đã giảm được hệ thống đấu giá ghi nhận.
  • Để đảm bảo tính chất công khai – minh bạch, kết quả cuộc đấu giá trực tuyến sẽ được đăng công khai trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc trang thông tin đấu giá trực tuyến và sẽ được gửi vào địa chỉ thư điện tử của người tham gia đấu giá đã đăng ký sau khi mã số của người trúng đấu giá và giá trúng đấu giá được công bố trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc trang thông tin đấu giá trực tuyến.

4. Chế tài đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá

Khoản 41 Điều 1 Luật Đấu giá tài sản sửa đổi, bổ sung 2024 sửa đổi, bổ sung Điều 70 của Luật Đấu giá tài sản 2016 có quy định trường hợp nếu người trúng đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp giao, thuê đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư quyền khai thác khoáng sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến phải hủy quyết định công nhận kết quả đấu giá thì tùy theo mức độ mà bị cấm tham gia đấu giá với loại tài sản đó từ 06 tháng đến 05 năm. Thời gian cấm tương ứng với hành vi cụ thể được hướng dẫn theo khoản 1 Điều 25 Nghị định 172/2024/NĐ-CP đó là:

  • Cấm tham gia đấu giá từ 02 năm đến 05 năm đối với trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá;
  • Cấm tham gia đấu giá từ 06 tháng đến 03 năm đối với trường hợp người trúng đấu giá nộp không đầy đủ tiền trúng đấu giá.

Như vậy, Luật Đấu giá tài sản sửa đổi, bổ sung 2024 đã quy định cụ thể các chế tài cần thiết để xử lý các tình trạng không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ tiền trúng đấu giá với trường hợp vừa nêu. Qua đó, tăng tính răn đe cũng như đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán với tài sản trúng đấu gia.

5. Thông báo công khai đấu giá tài sản

Theo sửa đổi, bổ sung tại Điều 57 Luật Đấu giá tài sản sửa đổi, bổ sung 2024, việc thông báo công khai đấu giá tài sản đã có sự thay đổi.

Cụ thể, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải thông báo công khai 02 lần trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, với khoảng cách giữa các lần thông báo ít nhất là 02 ngày.  Đồng thời, ít nhất 01 lần phải thông báo trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá (giảm 01 lần so với quy định trước đây).

Điều này nhằm đảm bảo tính hiệu quả, khả thi trong việc tiếp cận thông tin đấu giá, đồng thời thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lý đấu giá tài sản. Ngoài ra, tổ chức đấu giá còn có thể thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng khác theo yêu cầu của người có tài sản đấu giá.

Nhìn chung, Luật Đấu giá tài sản sửa đổi, bổ sung 2024 đã sửa đổi và bổ sung thêm các quy định nhằm giải quyết những thiếu sót, bất cập còn tồn động trong Luật Đấu giá tài sản 2016. Luật sửa đổi, bổ sung ra đời là đáp ứng xu thế áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong kỷ nguyên hiện nay, và đồng thời cũng xây dựng vững chắc các căn cứ pháp lý nhằm đảm bảo tính khách quan, công khai minh bạch và bền vững của hoạt động đấu giá tài sản tại Việt Nam.

Thời gian viết bài: 13/02/2025

Bài viết ghi nhận thông tin chung có giá trị tham khảo, trường hợp bạn mong muốn nhận ý kiến pháp lý liên quan đến các vấn đề mà bạn đang vướng mắc, bạn vui lòng liên hệ với Luật sư của chúng tôi theo email info@cdlaf.vn

Vì sao chọn dịch vụ CDLAF

  • Chúng tôi cung cấp đến bạn giải pháp pháp lý hiệu quả và toàn diện, giúp bạn tiết kiệm ngân sách, duy trì sự tuân thủ trong doanh nghiệp;
  • Chúng tôi tiếp tục duy trì việc theo dõi vấn đề pháp lý của bạn ngay cả khi dịch vụ đã hoàn thành và cập nhật đến bạn khi có bất kỳ sự thay đổi nào từ hệ thống pháp luật Việt Nam;
  • Hệ thống biểu mẫu về doanh nghiệp, đầu tư được xây dựng và cập nhật liên tục sẽ cung cấp khi khách hàng yêu cầu, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục;
  • Doanh nghiệp cập nhật kịp thời các chính sách và phương thức làm việc tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Đội ngũ Luật sư của CDLAF nhiều năm kinh nghiệm hoạt động tại lĩnh vực Lao động, Doanh nghiệp, Đầu tư cùng với các cố vấn nhân sự, tài chính;
  • Quy trình bảo mật thông tin nghiêm ngặt trong suốt quá trình thực hiện dịch vụ và ngay cả khi dịch vụ được hoàn thành sau đó;

Bạn có thể tham thảo thêm:

    GỬI YÊU CẦU TƯ VẤN









    error: Content is protected !!