Mức phạt vi phạm hợp đồng bao nhiêu là đúng?

Ngày cập nhật: December 13 , 2023

Mức phạt vi phạm hợp đồng bao nhiêu là đúng?

Trong các giao dịch thương mại, dân sự, hợp đồng là nền tảng quan trọng đối với mọi giao dịch. Thông qua hợp đồng các bên ghi nhận những thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ mà mỗi bên phải thực hiện để cùng đạt được mục tiêu cuối cùng mà các bên hướng đến. Tuy nhiên, không phải lúc nào các bên đều tuân thủ những điều khoản đã đặt ra, hoặc không lường trước được những tình huống phát sinh dẫn đến việc vi phạm hợp đồng, điều này dẫn đến việc vi phạm hợp đồng là điều khó tránh khỏi.

Trong trường hợp này chế tài phạt hợp đồng được các bên xem như là một biện pháp để đảm bảo cho chính quyền lợi của doanh nghiệp, bên cạnh đó chế tài phạt còn được ví như một công cụ định hình hành vi, đảm bảo sự tuân thủ và trách nhiệm trong giao dịch. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là: “Mức phạt vi phạm hợp đồng bao nhiêu là đúng?” những chia sẻ của chúng tôi tại bài viết này sẽ giúp các bạn có góc nhìn tổng quan nhất về mức phạt hợp đồng cho từng loại giao dịch để áp dụng một cách chính xác nhất.

Source: AdobeStock

1. Mức phạt Hợp đồng trong các giao dịch có phải là giống nhau không?

Một số nhầm lẫn mà chúng tôi thường thấy khi đi rà soát hợp đồng cho khách hàng hay tham gia giải quyết các tranh chấp về phạt hợp đồng, đó là một số doanh nghiệp hiểu rằng chỉ cần ghi nhận phạt hợp đồng một cách chung chung là được để khi xảy ra vi phạm thì áp dụng như bồi thường thiệt hại. Hay một số doanh nghiệp lại xác định đóng khung mức phạt 8% cho tất cả các giao dịch trong tất cả các lĩnh vực.

Điều này là không chính xác, bởi tùy thuộc vào việc doanh nghiệp xác định giao dịch mà doanh nghiệp đang xác lập là giao dịch thuộc về dân sự, thương mại hay xây dựng mà mức phạt vi phạm tối đa sẽ khác nhau. Theo đó hiện nay mức phạt vi phạm trong giao dịch dân sự được hiểu là không khống chế mức tối đa, mức phạt vi phạm trong thương mại sẽ không vượt quá 8% trên phần giá trị nghĩa vụ bị vi phạm, và đối với lĩnh vực xây dựng của công trình xây dựng có sử dụng vốn đầu tư công thì mức phạt vi phạt sẽ là không vượt quá 12% trên phần giá trị nghĩa vụ bị vi phạm.

2. Phạt vi phạm trong Hợp đồng dân sự

Hợp đồng được hiểu là thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập quyền và nghĩa vụ cho từng đối tượng giao dịch cụ thể. Trong phạm vi giao dịch dân sự thì Hợp đồng dân sự được hiểu là giao dịch giữa các cá nhân với nhau, hợp đồng giữa doanh nghiệp với cá nhân nhưng không vì mục đích sinh lợi như hợp đồng mua xe ô tô, mua bán nhà… hợp đồng giao khoán công việc cho cá nhân để cá nhân nhận thù lao, tiền công ví dụ như Hợp đồng diễn viên và các trường hợp khác tùy theo từng giao dịch cụ thể.

Đối với hợp đồng dân sự thì điều khoản phạt được ghi nhận cụ thể tại Điều 418 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

“Điều 418. Thỏa thuận phạt vi phạm

  1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.
  2. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
  3. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.”

Như vậy, phạt vi phạm trong hợp đồng dân sự sẽ là không có giới hạn ở mức 8% hay 12% như giao dịch thương mại và hợp đồng trong lĩnh vực xây dựng. Đó cũng là lý do mà tại một số hợp đồng dân sự thì phần phạt vi phạm được các bên thỏa thuận với một tỉ lệ lớn hơn nhiều so với 8% hay 12%. Điều này được pháp luật cho phép, tuy nhiên vấn đề sẽ thuộc về các bên, theo đó các bên phải xác định được loại hợp đồng mà các bên đang tham gia là hợp đồng dân sự hay thương mại. Thực tế cho thấy việc xác định 2 loại hợp đồng này không phải dễ dàng mà cần có thêm ý kiến từ các bên chuyên về pháp lý để xác định một cách chính xác.

3. Phạt vi phạm trong Hợp đồng thương mại

Hợp đồng thương mại là gì ? Hợp đồng thương mại hiểu đơn giản là văn bản thỏa thuận giữa các bên liên quan đến các hoạt thương mại, trong đó hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác theo quy định của pháp luật thương mại. Chính vì vậy các Hợp đồng liên quan đến hoạt động thương mại thì được xem xét là Hợp đồng thương mại để từ đó khống chế mức phạt tối đa là 8% trên phần nghĩa vụ bị phạm theo đúng quy định tại Điều 301 Luật Thương mại 2015, cụ thể:

“Điều 301. Mức phạt vi phạm

Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này.”

Như vậy có thể thấy việc xác định được chính xác loại hợp đồng cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của các bên trong Hợp đồng, điển hình là trường hợp các bên cho rằng hợp đồng đang giao dịch là loại Hợp đồng thương mại, vì vậy chỉ áp mức phạt 8%, trong khi đó bản chất đó là hợp đồng dân sự thì các bên được quyền áp dụng mức phạt cao hơn, điều này cũng tăng sự tuân thủ của các bên trong Hợp đồng khi nhận thấy rằng nếu để bị vi phạm thì số tiền phạt sẽ rất lớn.

4. Phạt vi phạm Hợp đồng trong lĩnh vực xây dựng

Xây dựng là lĩnh vực riêng biệt, hiện tại pháp luật xây dựng quy định mức phạt 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm đối với các công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công (vốn nhà nước). Lưu ý rằng mức phạt 12% sẽ áp dụng cho trường hợp công trình sử dụng có vốn đầu tư công, các trường hợp còn lại sẽ tùy thuộc vào tính chất của hợp đồng, các bên tham gia mà áp dụng mức phạt vi phạm theo pháp luật dân sự hoặc pháp luật thương mại.

Thực tế qua quá trình rà soát hợp đồng cũng như tham gia giải quyết các tranh chấp, chúng tôi nhận thấy rằng việc quy định nhiều mức phạt khác nhau cho nhiều loại hợp đồng đang gây ra một số khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc hiểu và áp dụng quy định một cách chính xác, bởi không phải trường hợp nào việc xác định đúng loại hợp đồng cũng dễ dàng đối với doanh nghiệp.Bên cạnh đó, mức phạt 8% hay 12% có thực sự đủ sức để răn đe một bên không vi phạm hợp đồng hay không? chúng ta có thể thấy rằng một số hợp đồng giá trị không lớn nhưng nếu một bên vi phạm hợp đồng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến bên kia, chính vì vậy đôi khi tỷ lệ phạt như nêu trên không phải trường hợp nào cũng đủ sức để khiến bên còn lại trong hợp đồng e ngại. Chính vì vậy, trong xu thế kinh tế phát triển hiện nay, chúng tôi cho rằng đã đến lúc các cơ quan ban hành văn bản nên cân nhắc việc áp dụng chung một mức phạt cho tất cả các giao dịch để giao dịch dân sự, thương mại đi về đúng bản chất thỏa thuận giữa các bên, điều này tạo sự thuận lợi hơn cho các bên trong việc áp dụng.

Thời gian viết bài: 12/12/2023

Bài viết ghi nhận thông tin chung có giá trị tham khảo, trường hợp bạn mong muốn nhận ý kiến pháp lý liên quan đến các vấn đề mà bạn đang vướng mắc, bạn vui lòng liên hệ với Luật sư của chúng tôi theo email info@cdlaf.vn

Vì sao chọn dịch vụ CDLAF

  • Chúng tôi cung cấp đến bạn giải pháp pháp lý hiệu quả và toàn diện, giúp bạn tiết kiệm ngân sách, duy trì sự tuân thủ trong doanh nghiệp;
  • Chúng tôi tiếp tục duy trì việc theo dõi vấn đề pháp lý của bạn ngay cả khi dịch vụ đã hoàn thành và cập nhật đến bạn khi có bất kỳ sự thay đổi nào từ hệ thống pháp luật Việt Nam;
  • Hệ thống biểu mẫu về doanh nghiệp, đầu tư được xây dựng và cập nhật liên tục sẽ cung cấp khi khách hàng yêu cầu, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục;
  • Doanh nghiệp cập nhật kịp thời các chính sách và phương thức làm việc tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Đội ngũ Luật sư của CDLAF nhiều năm kinh nghiệm hoạt động tại lĩnh vực Lao động, Doanh nghiệp, Đầu tư cùng với các cố vấn nhân sự, tài chính;
  • Quy trình bảo mật thông tin nghiêm ngặt trong suốt quá trình thực hiện dịch vụ và ngay cả khi dịch vụ được hoàn thành sau đó;

Bạn có thể tham thảo thêm:

    GỬI YÊU CẦU TƯ VẤN









    error: Content is protected !!