Nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ khách sạn tại Việt Nam
Việt Nam là điểm đến lý tưởng của khách du lịch nước ngoài bởi nhiều yếu tố: sự an toàn, thân thiện, văn hoá, ẩm thực, giá dịch vụ phải chăng … Khi du lịch phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của ngành nghề khác, trong đó phải kể đến sự phát triển của ngành nghề kinh doanh khách sạn, đặc biệt với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn các điều kiện kinh doanh, trình tự thủ tục mà nhà đầu tư nước ngoài cần đáp ứng để có thể hoạt động kinh doanh ngành nghề khách sạn tại Việt Nam.
1. Điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài hoạt động kinh doanh khách sạn tại Việt Nam
Điều kiện theo các cam kết quốc tế
Tại thời điểm hiện tại, Việt Nam mở cửa hoàn toàn đối với ngành nghề dịch vụ khách sạn, theo đó không có bất kỳ hạn chế nào về mức vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, áp dụng cho cả hình thức đầu tư trực tiếp (thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) và hình thức đầu tư gián tiếp (góp vốn, mua cổ phần). Theo biểu cam kết WTO, ngành nghề dịch vụ khách sạn được ghi nhận theo CPC 64110 – dịch vụ xếp chỗ ở khách sạn.
Điều kiện theo pháp luật Việt Nam
Pháp luật Việt Nam không đặt ra điều kiện riêng nào dành cho nhà đầu tư nước ngoài, các quy định của pháp luật Việt Nam được áp dụng chung cho cho cả nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư Việt Nam.
Hiện tại, pháp luật Việt Nam phân thành các loại hình khách sạn như sau:
- Khách sạn (hotel) là cơ sở lưu trú du lịch được xây dựng thành khối, đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và dịch vụ cần thiết phục vụ khách;
- Khách sạn nghỉ dưỡng (resort) là cơ sở lưu trú du lịch được xây dựng thành khối hoặc thành quần thể các biệt thự, nhà thấp tầng, căn hộ, thường ở khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp, không khí trong lành, thường gần biển, gần sông, gần núi, đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và dịch vụ cần thiết, phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí, tham quan… của khách;
- Khách sạn nổi (floating hotel) là cơ sở lưu trú du lịch neo đậu trên mặt nước và có thể di chuyển khi cần thiết, đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và dịch vụ cần thiết phục vụ khách;
- Khách sạn bên đường (motel) là cơ sở lưu trú du lịch được xây dựng thành khối gần đường giao thông, có bãi đỗ xe nhằm phục vụ nhu cầu lưu trú của đối tượng khách du lịch sử dụng phương tiện giao thông đường bộ (xe máy, ô tô) đi du lịch hoặc nghỉ ngơi giữa những chặng đường dài của khách du lịch, đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và dịch vụ cần thiết phục vụ khách.
Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam cũng đặt ra những điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với khách sạn, cụ thể:
- Có tối thiểu 10 buồng ngủ; có quầy lễ tân, phòng vệ sinh chung;
- Có nơi để xe cho khách đối với khách sạn nghỉ dưỡng và khách sạn bên đường;
- Có bếp, phòng ăn và dịch vụ phục vụ ăn uống đối với khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn nổi, khách sạn bên đường;
- Có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới;
- Có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày.
Đây chỉ là những điều kiện tối thiểu, dựa trên điều kiện này và điều kiện về xếp hạng sao cho khách sạn mà bạn sắp xếp bố trí cơ sở vật chất kỹ thuật cho phù hợp tương ứng với hạng sao mà bạn mong muốn dành cho khach sạn của mình.
2.Trình tự để thành lập công ty kinh doanh khách sạn tại Việt Nam
Để kinh doanh khách sạn tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài có hai hình thức có thể lựa chọn bao gồm: thành lập doanh nghiệp 100% vốn nươc ngoài hoặc mua cổ phần, vốn góp với tỷ lệ không giới hạn để đầu tư kinh doanh khách sạn. Tương ứng với từng hình thức đầu tư mà nhà đầu tư thực hiện trình tự, thủ tục pháp lý cần thiết để bắt đầu hoạt động kinh doanh.
– Với hình thức đầu tư trực tiếp – thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài
Bước 1. Nộp hồ sơ đăng ký đầu tư để nhận được Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thời gian xử lý hồ sơ là 15 ngày làm việc.
Bước 2. Nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thời gian xử lý hồ sơ là 03 gày làm việc.
Sau khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhà đầu tư hoàn tất việc công bố thông tin doanh nghiệp trên cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia, khắc dấu và thực hiện các thủ tục về thuế. Tới đây doanh nghiệp đã có tư cách pháp nhân để có thể xác lập các hợp đồng với nhà cung cấp, đối tác, khách hàng và người lao động.
Thủ tục thành lập Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài mời các bạn xem nội dung đầy đủ hơn tại bài viết: 5 bước Nhà đầu tư cần thực hiện để thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.
– Với hình thức đầu tư gián tiếp – nhà đầu tư góp vốn mua cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam
Với việc mở cửa hoàn toàn cho ngành nghề khách sạn, nhà đầu tư nước ngoài được phép mua lại một phần hoặc toàn bộ vốn góp, cổ phần trong một doanh nghiệp tại Việt Nam.
Bước 1. Thực hiện thủ tục để xin chấp thuận mua cổ phần, vốn góp, thời gian xử lý hồ sơ là 15 ngày làm việc.
Bước 2. Sau khi nhận được văn bản chấp thuận của cơ quan đăng ký đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục để điều chỉnh các thông tin trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Trình tự thủ tục để Nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp tại Việt Nam mời các bạn xem nội dung đầy đủ hơn tại bài viết: Trình tự thủ tục để góp vốn mua cổ phần trong doanh nghiệp tại Việt Nam.
Tại bước này nhà đầu tư cần lưu ý rằng, tùy từng loại hình doanh nghiệp (cổ phần, TNHH) thời gian đã thành lập, tỷ lệ cổ phần, vốn góp mà thông tin của nhà đầu tư sẽ được thể hiện hoặc không thể hiện trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Điển hình, với mô hình công ty cổ phần và hoạt động trên 03 năm thì thông tin về cổ đông mới sẽ không ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngoại trừ trường hợp nhà đầu tư mua lại toàn bộ vốn góp và trở thành chủ sở hữu duy nhất của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Với trường hợp đầu tư trực tiếp, sau khi hoàn tất các thủ tục để có tư cách pháp nhân tại Việt Nam, nhà đầu tư cần xin được chấp thuận, phê duyệt của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được xác định doanh nghiệp đã đáp ứng được các điều kiện về: an ninh trật tự; an toàn về phòng cháy và chữa cháy; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường… và một số loại giấy phép khác tùy thuộc vào phạm vi hoạt động của khách sạn.
Thời gian viết bài: 03/05/2023
Bài viết ghi nhận thông tin chung có giá trị tham khảo, trường hợp bạn mong muốn nhận ý kiến pháp lý liên quan đến các vấn đề mà bạn đang vướng mắc, bạn vui lòng liên hệ với Luật sư của chúng tôi theo email info@cdlaf.vn
Vì sao chọn dịch vụ CDLAF
- Chúng tôi cung cấp đến bạn giải pháp pháp lý hiệu quả và toàn diện, giúp bạn tiết kiệm ngân sách, duy trì sự tuân thủ trong doanh nghiệp;
- Chúng tôi tiếp tục duy trì việc theo dõi vấn đề pháp lý của bạn ngay cả khi dịch vụ đã hoàn thành và cập nhật đến bạn khi có bất kỳ sự thay đổi nào từ hệ thống pháp luật Việt Nam;
- Hệ thống biểu mẫu về doanh nghiệp, đầu tư được xây dựng và cập nhật liên tục sẽ cung cấp khi khách hàng yêu cầu, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục
- Doanh nghiệp cập nhật kịp thời các chính sách và phương thức làm việc tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Đội ngũ Luật sư của CDLAF nhiều năm kinh nghiệm hoạt động tại lĩnh vực Lao động, Doanh nghiệp, Đầu tư cùng với các cố vấn nhân sự, tài chính.
- Quy trình bảo mật thông tin nghiêm ngặt trong suốt quá trình thực hiện dịch vụ và ngay cả khi dịch vụ được hoàn thành sau đó;
Bạn có thể tham thảo thêm:
- Các báo cáo mà nhà đầu tư bắt buộc phải thực hiện trong năm 2023
- Thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, nhà đầu tư cần lưu ý gì (Phần 1)
- Thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, nhà đầu tư cần lưu ý gì (Phần 2)
- Trình tự, thủ tục góp vốn mua cổ phần trong doanh nghiệp tại Việt Nam
- Doanh nghiệp với việc mở và sử dụng tài khoản đầu tư trực tiếp
- Làm gì để tránh rủi ro khi thuê trụ sở hoạt động tại Việt Nam
- Nhượng quyền thương mại tại Việt Nam (Phần 1)
- Nhượng quyền thương mại tại Việt Nam (Phần 2)
- Các bước để nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam