Những điều cần biết về pháp lý cho sàn Thương Mại Điện Tử tại Việt Nam

Ngày cập nhật: May 21 , 2024

Những điều cần biết về pháp lý cho sàn Thương Mại Điện Tử tại Việt Nam

Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng và thói quen mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến, sàn thương mại điện tử đã trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế hiện đại. Việt Nam, với dân số trẻ và tỷ lệ sử dụng internet cao, đang chứng kiến sự bùng nổ của các hoạt động thương mại điện tử. Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển bền vững và minh bạch của thị trường này, việc tuân thủ các quy định pháp lý là điều vô cùng cần thiết. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin quan trọng về pháp lý liên quan đến việc vận hành và quản lý sàn thương mại điện tử tại Việt Nam, giúp các doanh nghiệp hiểu rõ và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, đồng thời tạo dựng niềm tin với khách hàng và đối tác.

Source: pexels-vladalex94-1486222

1. Website như thế nào thì xác định là Sàn giao dịch thương mại điện tử?

Sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó. Hiện nay pháp luật thừa nhận các hình thức hoạt động của Sàn giao dịch thương mại điện tử như sau:

  • Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;
  • Website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng;
  • Website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ;
  • Mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động quy định đã được liệt kê ở trên và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó.

Việc lập và vận hành sàn giao dịch thương mại điện tử sẽ có sự khác biệt giữa các hình thức hoạt động cũng như khác biệt giữa chủ thể sở hữu website, theo đó trình tự thủ tục pháp lý để đăng ký hoạt động cho sàn giao dịch thương mại điện tử mà chủ sở hữu là doanh nghiệp Việt Nam sẽ đơn giản hơn so với trường hợp chủ sở hữu đó là doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Điều này xuất phát từ quy định riêng của pháp luật về thương mại liên quan Giấy phép kinh doanh đối với doanh nghiệp có vốn nước ngoài hoạt động liên quan đến “dịch vụ thương mại điện tử”.

2. Trách nhiệm của các bên khi hoạt động trên Sàn giao dịch thương mại điện tử

Pháp luật về thương mại điện tử đã đặt ra các quy định về trách nhiệm mà mỗi bên khi tham gia vào vận hành hay giao dịch trên Sàn thương mại điện tử phải tuân thủ, điều này nhằm hướng đến đảm bảo sự trật tự, quyền lợi của các bên và của người tiêu dùng, tuy nhiên trước sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử thì nhiều vấn đề phát sinh chưa được pháp luật kịp thời điều chỉnh. Điều này cũng gây ra sự lúng túng và lo ngại cho các doanh nghiệp nước ngoài khi hoạt động dịch vụ thương mại điện tử.

Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, pháp luật hiện hành đang yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ sau:

  • Đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định và công bố các thông tin đã đăng ký trên trang chủ website.
  • Xây dựng và công bố công khai trên website quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử, theo dõi và bảo đảm việc thực hiện quy chế đó trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
  • Yêu cầu thương nhân, tổ chức, cá nhân là người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin theo quy định khi đăng ký sử dụng dịch vụ.
  • Có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử được thực hiện chính xác, đầy đủ.
  • Lưu trữ thông tin đăng ký của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử và thường xuyên cập nhật những thông tin thay đổi, bổ sung có liên quan.
  • Thiết lập cơ chế cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện được quy trình giao kết hợp đồng nếu website có chức năng đặt hàng trực tuyến.
  • Áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân và thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
  • Có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử: (i) Ngăn chặn và loại bỏ khỏi website những thông tin mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật; (ii) Gỡ bỏ thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; (iii) Phối hợp với các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy trình, thủ tục công bố tại Quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử; (iv) Cảnh cáo hoặc từ chối cung cấp dịch vụ có thời hạn hoặc vĩnh viễn đối với những cá nhân, thương nhân, tổ chức có hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật; (v) Các biện pháp khác theo Quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử.
  • Hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra, xử lý các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp, khiếu nại, bao gồm: (i) Cung cấp thông tin về đối tượng có dấu hiệu, hành vi vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện hoặc nhận được các thông tin nêu trên; (ii) Thường xuyên cập nhật từ khóa theo khuyến cáo từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và lọc thông tin theo từ khóa trước khi thông tin về hàng hóa, dịch vụ hiển thị trên website; (iii) Tiếp nhận, phản hồi thông tin để giải quyết khiếu nại, phản ánh và tranh chấp liên quan đến sàn giao dịch thương mại điện tử tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ online.gov.vn.
  • Công bố công khai cơ chế giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Khi khách hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử phát sinh mâu thuẫn với người bán hoặc bị tổn hại lợi ích hợp pháp, phải cung cấp cho khách hàng thông tin về người bán, tích cực hỗ trợ khách hàng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
  • Đối với những sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến, ngoài các nghĩa vụ trên, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm:

(i) Chỉ định đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; đầu mối này sẽ cung cấp thông tin trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận yêu cầu để kịp thời phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo; (ii) Đại diện cho người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ do thương nhân nước ngoài cung cấp và có trách nhiệm thông báo nghĩa vụ thuế của người bán nước ngoài khi tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật Việt Nam; (iii) Là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng trong trường hợp một giao dịch thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử có nhiều hơn 02 bên tham gia; (iv) Lưu trữ thông tin về các giao dịch đặt hàng được thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật về kế toán; (v) Liên đới bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ quy định tại mà gây thiệt hại.”

Trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử:

  • Cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin quy định cho thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử khi đăng ký sử dụng dịch vụ.
  • Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
  • Đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
  • Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử.
  • Tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
  • Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

2. Quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử

Sàn giao dịch thương mại điện tử hoạt động theo quy chế riêng và quy chế phải được thể hiện trên trang chủ của website. Khi đi xây dựng Quy chế, phía doanh nghiệp cần đảm bảo quy chế hoạt động sẽ cần có những nội dung bắt buộc mà pháp luật đã quy định, đây sẽ là cơ sở để phía cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho việc thiết lập sàn giao dịch thương mại điện tử của doanh nghiệp. Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng cần lưu ý quy chế hoạt động cũng cần chú ý đến trách nhiệm của bên cung ứng dịch vụ sàn thương mại điện tử, bởi khi doanh nghiệp đăng tải nội dung quy chế lên website, doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ với những nội dung đã ghi nhận.

Nội dung bắt buộc của Quy chế hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử sẽ gồm những mục sau:

  • Quyền và nghĩa vụ của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử;
  • Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử; Nếu sàn giao dịch thương mại điện tử có kết hợp nhiều hình thức hoạt động khác nhau, mô tả quy trình giao dịch đối với từng hình thức tổ chức hoạt động này, bao gồm quy trình giao nhận hàng hóa (nếu có);
  • Hoạt động rà soát và thẩm quyền xử lý của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử khi phát hiện các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch;
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên trong các giao dịch được thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử, trường hợp một giao dịch có nhiều hơn 02 bên tham gia thì phải phân định rõ trách nhiệm giữa các bên bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ;
  • Giới hạn trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử trong những giao dịch thực hiện trên sàn;
  • Các quy định về an toàn thông tin, cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin và quản lý thông tin trên sàn giao dịch thương mại điện tử;”
  • Cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa các bên liên quan đến giao dịch tiến hành trên sàn giao dịch thương mại điện tử;
  • Chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định tại Điều 69 Nghị định này;
  • Biện pháp xử lý với các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trên sàn giao dịch thương mại điện tử;
  • Biện pháp xử lý vi phạm đối với những người không tuân thủ quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử.
  • Phân định trách nhiệm về cung cấp chứng từ hàng hóa giữa người bán, bên cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử và bên cung cấp dịch vụ logistics trong trường hợp có giao kết sử dụng dịch vụ logistics của bên thứ ba;
  • Quy trình phối hợp với các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên sàn giao dịch thương mại điện tử;
  • Chính sách áp dụng chung cho các giao dịch trên sàn liên quan đến vấn đề kiểm hàng, chính sách đổi trả, chính sách hoàn tiền (bao gồm những trường hợp hoàn tiền, quy trình và phương thức hoàn tiền cho khách hàng) trong trường hợp sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến.

Lưu ý rằng, hiện nay hoạt động trên sàn giao dịch thương mại điện tử khá nhộn nhịp và với xu hướng online mọi hoạt động, chính vì vậy phía cơ quan có thẩm quyền xem xét khá kỹ đối với nội dung quy chế nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên khi kinh doanh trên sàn thương mại điện tử cũng như quyền lợi của người tiêu dùng. Chính vì vậy, về phía doanh nghiệp khi đi xây dựng quy chế cần chú ý tính phù của quy chế với mô hình vận hành của sàn, yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo nội dung quy chế được đầy đủ.

Thời gian viết bài: 22/04/2024

Bài viết ghi nhận thông tin chung có giá trị tham khảo, trường hợp bạn mong muốn nhận ý kiến pháp lý liên quan đến các vấn đề mà bạn đang vướng mắc, bạn vui lòng liên hệ với Luật sư của chúng tôi theo email info@cdlaf.vn

Vì sao chọn dịch vụ CDLAF

  • Chúng tôi cung cấp đến bạn giải pháp pháp lý hiệu quả và toàn diện, giúp bạn tiết kiệm ngân sách, duy trì sự tuân thủ trong doanh nghiệp;
  • Chúng tôi tiếp tục duy trì việc theo dõi vấn đề pháp lý của bạn ngay cả khi dịch vụ đã hoàn thành và cập nhật đến bạn khi có bất kỳ sự thay đổi nào từ hệ thống pháp luật Việt Nam;
  • Hệ thống biểu mẫu về doanh nghiệp, đầu tư được xây dựng và cập nhật liên tục sẽ cung cấp khi khách hàng yêu cầu, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục;
  • Doanh nghiệp cập nhật kịp thời các chính sách và phương thức làm việc tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Đội ngũ Luật sư của CDLAF nhiều năm kinh nghiệm hoạt động tại lĩnh vực Lao động, Doanh nghiệp, Đầu tư cùng với các cố vấn nhân sự, tài chính;
  • Quy trình bảo mật thông tin nghiêm ngặt trong suốt quá trình thực hiện dịch vụ và ngay cả khi dịch vụ được hoàn thành sau đó;

Bạn có thể tham thảo thêm:

    GỬI YÊU CẦU TƯ VẤN









    error: Content is protected !!