Quản Lý Hợp Đồng Gia Công Cho Nước Ngoài: Quy Định Pháp Lý, Thủ Tục Hải Quan Và Những Lưu Ý Quan Trọng (Phần 1)

Ngày cập nhật: February 20 , 2025

Quản Lý Hợp Đồng Gia Công Cho Nước Ngoài: Quy Định Pháp Lý, Thủ Tục Hải Quan Và Những Lưu Ý Quan Trọng (Phần 1)

Gia công hàng hóa xuất khẩu là một hoạt động phổ biến tại Việt Nam, giúp các doanh nghiệp tận dụng nguồn lực sản xuất và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để đảm bảo tính minh bạch và tránh các vi phạm pháp luật, doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về định mức thực tế sản xuất, kiểm tra năng lực gia công, báo cáo quyết toán nguyên vật liệu và hàng hóa xuất khẩu. Dưới đây là phân tích chi tiết về các nội dung quan trọng mà doanh nghiệp cần lưu ý khi thực hiện hoạt động gia công cho thương nhân nước ngoài.

Source: pexels-rdne-7841841

1. Quản lý về định mức thực tế sản xuất hàng hóa gia công

Định mức thực tế sản xuất là một yếu tố quan trọng trong hoạt động gia công và sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Nó giúp doanh nghiệp xác định lượng nguyên liệu, vật tư thực tế tiêu hao để sản xuất một đơn vị sản phẩm xuất khẩu. Đây là cơ sở để doanh nghiệp tính toán hiệu suất sản xuất, kiểm soát chi phí, quyết toán thuế, và đảm bảo tuân thủ các quy định pháp lý. Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp phải xác định và xây dựng định mức thực tế theo mẫu biểu quy định. Điều này đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động sản xuất, giúp cơ quan hải quan kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguyên liệu nhập khẩu cũng như xác định chính xác số thuế phải nộp trong các trường hợp đặc biệt.

Phế Liệu, Phế Phẩm, trong quá trình sản xuất, phế liệu và phế phẩm là hai yếu tố phát sinh không thể tránh khỏi. Doanh nghiệp cần quản lý và báo cáo đầy đủ lượng phế liệu, phế phẩm để đảm bảo tính minh bạch và tránh rủi ro bị cơ quan hải quan ấn định thuế hoặc xử phạt hành chính.

  • Phế liệu: Là vật liệu bị loại bỏ trong quá trình gia công hoặc sản xuất, không còn giá trị sử dụng ban đầu nhưng có thể được thu hồi để tái chế trong quy trình sản xuất khác.
  • Phế phẩm: Là thành phẩm hoặc bán thành phẩm không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật về quy cách, kích thước, phẩm chất, không thể xuất khẩu được.

Ví dụ: Doanh nghiệp A nhập khẩu lá thuốc lá để sản xuất sợi thuốc lá loại 1 và loại 2. Trong quy trình, phần cọng lá thuốc lá sau khi tách ra được sấy khô, ép bánh, thái sợi để tạo thành sợi thuốc lá loại 2. Khi đó, doanh nghiệp A cần xây dựng hai định mức sản xuất riêng biệt cho hai loại sợi thuốc lá, bao gồm cả phần phế liệu được tái chế. Việc không xác định đúng định mức tái chế có thể dẫn đến rủi ro doanh nghiệp bị quy kết là sử dụng nguyên liệu nhập khẩu sai mục đích hoặc vi phạm quy định về khai báo nguyên liệu nhập xuất.

Lưu trữ chứng từ và báo cáo định mức thực tế, theo quy định, doanh nghiệp phải lưu trữ toàn bộ dữ liệu, chứng từ liên quan đến định mức thực tế để phục vụ công tác báo cáo quyết toán và kiểm tra của cơ quan hải quan.

Khi nào phải báo cáo, định mức thực tế phải được báo cáo hàng năm theo năm tài chính và gửi đến cơ quan hải quan khi thực hiện báo cáo quyết toán theo quy định. Đối với các sản phẩm có thời gian sản xuất dài, như đóng tàu có thời gian hoàn thành trong 3 năm, doanh nghiệp chỉ phải nộp báo cáo định mức vào năm tài chính thứ 3, khi sản phẩm đã hoàn tất. Trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng vật tư không thể xác định định mức theo sản phẩm cụ thể, doanh nghiệp phải lưu trữ các chứng từ sử dụng vật tư và thể hiện trên báo cáo quyết toán nhập-xuất-tồn kho.

Vai trò quan trọng của định mức thực tế là xác định số thuế phải nộp khi có thay đổi về mục đích sử dụng nguyên liệu nhập khẩu. Các trường hợp cụ thể bao gồm:

  • Chuyển đổi mục đích sử dụng: Nếu nguyên liệu nhập khẩu theo diện gia công xuất khẩu nhưng sau đó chuyển sang tiêu thụ nội địa, doanh nghiệp phải nộp thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (VAT) tương ứng. Định mức thực tế là cơ sở để xác định số lượng nguyên liệu bị chuyển đổi mục đích.
  • Hoàn thuế, không thu thuế: Khi doanh nghiệp hoàn thành hợp đồng gia công và xuất khẩu toàn bộ sản phẩm, có thể được hoàn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu nhập khẩu ban đầu. Tuy nhiên, nếu sản lượng xuất khẩu không phù hợp với định mức thực tế, doanh nghiệp có thể bị từ chối hoàn thuế hoặc bị truy thu thuế.
  • Kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành: Hải quan sẽ đối chiếu định mức thực tế với lượng nguyên liệu nhập khẩu và sản lượng xuất khẩu để phát hiện gian lận thương mại, trốn thuế hoặc kê khai sai lệch.

2. Các hình thức xử lý nguyên liệu, phế liệu và máy móc, thiết bị trong Hợp đồng gia công

Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà thương nhân nước ngoài có thể xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa và máy móc theo 5 hình thức chính, tùy theo nội dung hợp đồng và quy định của pháp luật Việt Nam:

Bán tại thị trường Việt Nam: Doanh nghiệp có thể bán nguyên liệu, vật tư, máy móc dư thừa hoặc sản phẩm gia công chưa xuất khẩu cho các đối tác trong nước.

Xuất khẩu trả lại nước ngoài: Doanh nghiệp có thể xuất trả nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc hoặc phế liệu không sử dụng về cho bên đặt hàng.

Chuyển sang hợp đồng gia công khác: Nếu bên đặt hàng có thêm hợp đồng gia công khác tại Việt Nam, doanh nghiệp có thể chuyển giao nguyên liệu, máy móc, thiết bị sang hợp đồng mới.

Biếu, tặng tại Việt Nam: Doanh nghiệp có thể tặng nguyên liệu, máy móc cho đối tác trong nước theo các quy định pháp luật.

Tiêu hủy tại Việt Nam: Nếu nguyên liệu, vật tư, máy móc không còn giá trị sử dụng, doanh nghiệp phải thực hiện tiêu hủy theo quy định pháp luật về môi trường.

Mỗi hình thức xử lý đều có các thủ tục hải quan tương ứng để đảm bảo doanh nghiệp thực hiện đúng quy định, tránh vi phạm pháp luật và nghĩa vụ thuế.

3. Quy định cụ thể về thủ tục hải quan

Đối với trường hợp lựa chọn phương thức xử lý: bán, biếu, tặng nguyên liệu, máy móc dư thừa, theo đó nếu bên mua hoặc bên nhận biếu tặng là bên nhận gia công, doanh nghiệp phải làm thủ tục thay đổi mục đích sử dụng. Nếu bên mua hoặc bên nhận biếu tặng là một tổ chức hoặc cá nhân khác tại Việt Nam, doanh nghiệp phải làm thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ.

Trường hợp các bên lựa chọn phương thức: xuất trả nguyên liệu, vật tư, phế liệu, phế phẩm, theo đó nếu xuất trả trong thời gian hợp đồng đang thực hiện hoặc sau khi hợp đồng kết thúc, thủ tục xuất trả thực hiện theo Điều 48 của Nghị định 08/2015/NĐ-CP và khoản 21 Điều 1 của Nghị định 59/2018/NĐ-CP.

Chuyển nguyên liệu, vật tư sang hợp đồng gia công khác, nếu nguyên liệu, vật tư hoặc máy móc được chuyển giao sang hợp đồng gia công khác theo chỉ định của bên đặt hàng, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ theo quy định. Thủ tục này áp dụng khi bên đặt hàng có nhiều hợp đồng gia công tại Việt Nam và muốn sử dụng nguyên vật liệu dư thừa cho một hợp đồng khác. Điều này giúp tận dụng tối đa nguyên vật liệu nhập khẩu, giảm lãng phí và hạn chế phát sinh thủ tục hải quan phức tạp.

Tóm lại, việc xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa và máy móc trong hợp đồng gia công cần tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật nhằm tránh rủi ro thuế, môi trường và hải quan. Doanh nghiệp phải hoàn thành thủ tục trong vòng 30 ngày sau khi hợp đồng kết thúc, lựa chọn phương án xử lý phù hợp (bán nội địa, xuất trả, chuyển hợp đồng, biếu tặng hoặc tiêu hủy) và thực hiện đúng quy trình hải quan. Lưu trữ đầy đủ chứng từ là yếu tố quan trọng để đảm bảo tính hợp pháp và tránh bị thanh tra sau thông quan.

Hợp đồng gia công mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đi kèm với các yêu cầu pháp lý nghiêm ngặt. Từ định mức sản xuất, quản lý nguyên vật liệu, xử lý hàng hóa dư thừa đến báo cáo quyết toán, mỗi bước đều đòi hỏi sự chính xác, minh bạch và tuân thủ pháp luật. Để tối ưu hóa sản xuất, kiểm soát chi phí và hạn chế vi phạm, doanh nghiệp cần xây dựng quy trình quản lý nội bộ hiệu quả, hợp tác chặt chẽ với cơ quan hải quan và thực hiện báo cáo đúng hạn.

Việc nâng cao tư duy quản trị rủi ro, minh bạch trong hoạt động gia công xuất khẩu không chỉ giúp doanh nghiệp hoạt động bền vững, giảm thiểu rủi ro pháp lý mà còn gia tăng lợi thế cạnh tranh, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế và khẳng định uy tín trên thị trường toàn cầu.

Thời gian viết bài: 13/02/2025

Bài viết ghi nhận thông tin chung có giá trị tham khảo, trường hợp bạn mong muốn nhận ý kiến pháp lý liên quan đến các vấn đề mà bạn đang vướng mắc, bạn vui lòng liên hệ với Luật sư của chúng tôi theo email info@cdlaf.vn

Vì sao chọn dịch vụ CDLAF

  • Chúng tôi cung cấp đến bạn giải pháp pháp lý hiệu quả và toàn diện, giúp bạn tiết kiệm ngân sách, duy trì sự tuân thủ trong doanh nghiệp;
  • Chúng tôi tiếp tục duy trì việc theo dõi vấn đề pháp lý của bạn ngay cả khi dịch vụ đã hoàn thành và cập nhật đến bạn khi có bất kỳ sự thay đổi nào từ hệ thống pháp luật Việt Nam;
  • Hệ thống biểu mẫu về doanh nghiệp, đầu tư được xây dựng và cập nhật liên tục sẽ cung cấp khi khách hàng yêu cầu, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục;
  • Doanh nghiệp cập nhật kịp thời các chính sách và phương thức làm việc tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Đội ngũ Luật sư của CDLAF nhiều năm kinh nghiệm hoạt động tại lĩnh vực Lao động, Doanh nghiệp, Đầu tư cùng với các cố vấn nhân sự, tài chính;
  • Quy trình bảo mật thông tin nghiêm ngặt trong suốt quá trình thực hiện dịch vụ và ngay cả khi dịch vụ được hoàn thành sau đó;

Bạn có thể tham thảo thêm:

    GỬI YÊU CẦU TƯ VẤN









    error: Content is protected !!