Quy định mới về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt
Với sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử và sự bùng nổ của các công cụ thanh toán đã đặt ra yêu cầu về việc các doanh nghiệp cần có hành lang pháp lý điều chỉnh kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh. Chính vì vậy Nghị định 52/2024/NĐ-CP (“Nghị định 52”) được ban hành ngày 15/05/2024 đã thay thế cho Nghị định 101/2012/NĐ-CP, Nghị định 52 đã ghi nhận chi tiết hơn các vấn đề về “thanh toán không dùng tiền mặt” dựa trên cơ sở phù hợp với những quy định mới gần đây về An ninh mạng, Luật các tổ chức tín dụng, Luật đầu tư… Về phía doanh nghiệp, việc hiểu rõ những việc được làm và không được làm của doanh nghiệp liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp doanh nghiệp dự liệu được các cơ hội kinh doanh và tránh được các rủi ro có thể xảy ra.
Bài viết dưới đây sẽ ghi nhận chi tiết hơn các điểm mới trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2024.
1. Nghị định mới đã giải thích rõ hơn về thuật ngữ trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt
Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định 52 đã xác định rõ các công cụ thanh toán được xem là “phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt”, theo đó phương tiện thanh toán này sẽ do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, công ty tài chính được phép phát hành thẻ tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử và được khách hàng sử dụng nhằm thực hiện giao dịch thanh toán, bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng (bao gồm: thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước), ví điện tử và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của ngân hàng nhà nước.
Tiền điện tử, Nghị định 52 đã có quy định về tiền điện tử, theo đó tiền điện tử được xác định là giá trị tiền Việt Nam đồng lưu trữ trên các phương tiện điện tử được cung ứng trên cơ sở đối ứng với số tiền được khách hàng trả trước cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử.
Xác định dịch vụ hỗ trợ thu hộ – chi hộ, theo đó dịch vụ này được hiểu là việc tiếp nhận, xử lý dữ liệu điện tử, tính toán kết quả thu hộ, chi hộ, hủy việc thu hộ, chi hộ cho khách hàng có tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng và thực hiện thanh toán cho các bên có liên quan.
Một số vấn đề liên quan đến hoạt động thanh toán đã được Nghị đinh 52 giải thích chi tiết, điều này sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp vận dụng, cụ thể: Dịch vụ cổng thanh toán điện tử, hệ thống thanh toán, hệ thống thanh toán quốc tế, hệ thống thanh toán quan trọng… cũng đã được nghị định mới ghi nhận rõ ràng hơn.
2. Tiền điện tử, Ví điện tử
Như đã đề cập ở trên, Nghị định 52 đã có những quy định mới về tiền điện tử và công cụ lưu trữ – Ví điện tử. Theo đó, Ví điện tử, thẻ trả trước được hiểu là phương tiện được dùng để lưu trữ tiền điện tử. Ví điện tử, thẻ trả trước sẽ được Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành, quản lý và giám sát hoạt động sử dụng của doanh nghiệp.
Về phía tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử phải đảm bảo duy trì tổng số dư trên tất cả các tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thấp hơn tổng số dư của tất cả các ví điện tử đã phát hành cho khách hàng, chỉ cho phép sử dụng dịch vụ đối với các ví điện tử có liên kết với tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của chính khách hàng.
3. Quy định chi tiết về hoạt động cung ứng dịch vụ chuyển tiền, thu hộ, chi hộ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích
Theo đó Nghị định 52 đã đặt ra các quy định về hoạt động chuyển tiền – thu hộ – chi hộ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích sau khi đã được Ngân hàng nhà nước chấp thuận bằng văn bản và đáp ứng được các điều kiện dưới đây:
Điều kiện về công nghệ, doanh nghiệp phải có hệ thống thông tin phục vụ cho hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng đáp ứng được các yêu cầu đảm bảo an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 theo quy định;
Điều kiện về nhân sự, Người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, người phụ trách cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng phải có bằng đại học trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, công nghệ thông tin.
Người chiu trách nhiệm chính cho hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán gồm trưởng phòng hoặc trưởng bộ phận và nhân sự kỹ thuật phải có bằng cao đăng trở lên về một trong các ngành đã được liệt kê ở trên.
Điều kiện về vận hành, doanh nghiệp phải xây dựng quy trình đối với từng loại dịch vụ, xây dựng biện pháp để đảm bảo khả năng thanh toán, quy trình kiểm tra, kiểm soát nội bộ, cơ chế quản lý rủi ro; các quy định về hoạt động phòng, chống rửa tiền…; quy trình tra soát, xử lý khiếu nại, tranh chấp… các quy trình này phải được xây dựng dựa theo các quy định về hoạt động thanh toán mà Ngân hàng nhà nước đã quy định.
Bên cạnh đó doanh nghiệp cung ứng dịch vụ này sẽ cần xây dựng phương án thu gom, vận chuyển tiền mặt đảm bảo cuối ngày nộp vào tài khoản thanh toán mở tại ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn cho việc luân chuyển, giao nhận… và các phương án về phòng cháy, chữa cháy.
Nhìn chung có thể thấy các điều kiện mà các doanh nghiệp bưu chính công ích phải đáp ứng là tương đồng với điều kiện mà các tổ chức tín dụng phải đáp ứng liên quan đến hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Điều này để nhằm đảm bảo được quyền lợi của các bên sử dụng dịch vụ nhờ thu hộ, chi hộ cũng như là cách thức để Ngân hàng nhà nước giám sát các hoạt động liên quan đến thanh toán nằm ngoài phạm vi của các tổ chức tín dụng.
4. Điều kiện hoạt động của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán
Nghị định 52 bổ sung và làm rõ hơn quy định về vốn điều lệ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, theo đó mức vốn điều lệ sẽ tương ứng với từng dịch vụ cụ thể như: 50 tỷ đồng đối với dịch vụ ví điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ và dịch vụ cổng thanh toán điện tử; 300 tỷ đồng đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế, dịch vụ bù trừ điện tử.
Nghị định 52 cũng chi tiết hơn về điều kiện nhân sự của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cụ thể: Người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức phải có bằng đại học trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, công nghệ thông tin và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm là người quản lý, người điều hành của tổ chức trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và không thuộc những đối tượng bị cấm theo quy định của pháp luật; phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam (Khi chỉ còn lại một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam thì người này khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân khác cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền).
Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) và các cán bộ chủ chốt thực hiện Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (gồm Trưởng phòng (ban) hoặc tương đương và các cán bộ kỹ thuật) có bằng cao đẳng trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, công nghệ thông tin hoặc lĩnh vực chuyên môn đảm nhiệm.
Ngoài ra Nghị định 52 cũng quy định một cách chi tiết hơn về danh mục tài liệu, trình tự cấp phép liên quan đến hoạt động trung gian thanh toán, các quy định rõ ràng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện. Tuy nhiên vấn đề quan trọng hiện nay mà nhiều doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử, hoặc cho thuê lại lao động quan tâm là tiền điện tử và hoạt động thu hộ – chi hộ lại chỉ mới được ghi nhận một cách chung chung, những quy định chi tiết cụ thể về các vấn đề này lại chưa được ghi nhận. Điều này cũng gây khó khăn cho chính các doanh nghiệp trong các hoạt động liên quan đến “tài chính” với khách hàng, và trong thời gian hy vọng rằng sẽ có những thông tư hướng dẫn từ phía cơ quan có thẩm quyền để doanh nghiệp hiểu được chính xác những hoạt động mà doanh nghiệp được phép thực hiện liên quan đến các công cụ thanh toán khônng dùng tiền mặt.
Thời gian viết bài: 29/05/2024
Bài viết ghi nhận thông tin chung có giá trị tham khảo, trường hợp bạn mong muốn nhận ý kiến pháp lý liên quan đến các vấn đề mà bạn đang vướng mắc, bạn vui lòng liên hệ với Luật sư của chúng tôi theo email info@cdlaf.vn
Vì sao chọn dịch vụ CDLAF
- Chúng tôi cung cấp đến bạn giải pháp pháp lý hiệu quả và toàn diện, giúp bạn tiết kiệm ngân sách, duy trì sự tuân thủ trong doanh nghiệp;
- Chúng tôi tiếp tục duy trì việc theo dõi vấn đề pháp lý của bạn ngay cả khi dịch vụ đã hoàn thành và cập nhật đến bạn khi có bất kỳ sự thay đổi nào từ hệ thống pháp luật Việt Nam;
- Hệ thống biểu mẫu về doanh nghiệp, đầu tư được xây dựng và cập nhật liên tục sẽ cung cấp khi khách hàng yêu cầu, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục;
- Doanh nghiệp cập nhật kịp thời các chính sách và phương thức làm việc tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Đội ngũ Luật sư của CDLAF nhiều năm kinh nghiệm hoạt động tại lĩnh vực Lao động, Doanh nghiệp, Đầu tư cùng với các cố vấn nhân sự, tài chính;
- Quy trình bảo mật thông tin nghiêm ngặt trong suốt quá trình thực hiện dịch vụ và ngay cả khi dịch vụ được hoàn thành sau đó;
Bạn có thể tham thảo thêm:
- Điều kiện và quy trình cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng
- Nghĩa vụ thuế nhà thầu của nhà đầu tư nước ngoài khi có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam (Phần 1)
- Những điều cần biết về pháp lý cho sàn Thương Mại Điện Tử tại Việt Nam