Quy định mới về nhập khẩu hàng hóa tân trang vào Việt Nam
Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương ( sau đây gọi là Hiệp định CPTPPP) hiện đang đặt ra những quy định liên quan đến việc nhập khẩu hàng hóa tân trang. Theo đó để hướng dẫn doanh nghiệp thì ngày 02.11.2023 Chính phủ đã ban hành nghị định 77/2023/NĐ-CP quy định về quản lý hàng hóa tân trang theo hiệp định CPTPP. Nghị định hiện chỉ áp dụng cho đối tượng cụ thể là các doanh nghiệp tân trang, cơ sở tân trang, chủ sở hữu nhãn hiệu, thương nhân nhập khẩu hàng hóa tân trang và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định CPTPP.
Để hiểu rõ hơn, trong bài viết dưới đây chúng tôi sẽ thông tin đến các doanh nghiệp có liên quan về những điều cần lưu ý trong quá trình tiến hành nhập khẩu đối tượng hàng hóa này.
1. Hàng hóa tân trang là gì và áp dụng cho doanh nghiệp nào?
Hàng hóa tân trang sẽ được hiểu là các đối tượng đáp ứng đầy đủ các điều kiện dưới đây:
- Bao gồm các mã hàng được liệt kê tại Phụ lục I, II, III, IVvà V kèm theo Nghị định 77/2023/NĐ-CP; và
- Được cấu thành toàn bộ hoặc một phần từ vật tư đã được phục hồi; và
- Có thời hạn sử dụng tương tự như thời hạn sử dụng của chính loại hàng hóa đó khi chưa qua sử dụng; và
- Thực hiện được toàn bộ các chức năng như chức năng của chính loại hàng hóa đó khi chưa qua sử dụng, với chất lượng, hiệu quả thực hiện không thay đổi hoặc tương tự như chất lượng, hiệu quả thực hiện của chính loại hàng hóa đó khi chưa qua sử dụng; và
- Có chế độ bảo hành tương tự như chế độ bảo hành áp dụng cho chính loại hàng hóa đó khi chưa qua sử dụng.
Trong đó doanh nghiệp tân trang là doanh nghiệp thành lập và đăng ký hoạt động tại nước ngoài, giữ vai trò chính trong việc tổ chức sản xuất ra hàng hóa tân trang và thực hiện các thủ tục để đưa hàng hóa tân trang vào lưu thông.
2. Các điều kiện mà doanh nghiệp cần đáp ứng để nhập khẩu hàng hóa tân trang vào Việt Nam
Để nhập khẩu hàng hóa tân trang vào Việt Nam thì doanh nghiệp nhập khẩu cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
- Có Giấy phép nhập khẩu theo quy định tại Nghị định này.
- Đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định CPTPP.
- Đáp ứng các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam và pháp luật chuyên ngành đang được áp dụng cho hàng nhập khẩu mới cùng chủng loại, trong đó, tùy trường hợp cụ thể, có các quy định về: nhãn hàng hóa, chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hiệu suất năng lượng, an toàn bức xạ, an toàn thông tin mạng, đo lường, bảo vệ môi trường, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các quy định khác.
Khi đưa ra lưu thông trên thị trường, trên nhãn gốc hoặc nhãn phụ của hàng hóa tân trang phải thể hiện bằng tiếng Việt cụm từ “Hàng hóa tân trang” ở vị trí và với kích cỡ có thể nhìn thấy và đọc được bằng mắt thường.
3. Trình tự để xin cấp Giấy phép nhập khẩu hàng hóa tân trang vào Việt Nam
Theo quy định hàng hóa tân trang khi nhập khẩu vào Việt Nam sẽ bắt buộc phải xin được Giấy phép nhập khẩu. Hiện tại sẽ có 02 loại giấy phép tương ứng với từng trường hợp nhập khẩu, bao gồm: (i) Giấy phép nhập khẩu theo lô hàng và (ii) Giấy phép nhập khẩu có thời hạn.
Trong đó giấy phép nhập khẩu theo lô hàng được cấp cho hàng hóa tân trang trong những lần đầu mà hàng hóa này nhập khẩu vào Việt Nam. Giấy phép nhập khẩu có thời hạn sẽ được áp dụng khi hàng hóa tân trang cùng tên gọi, cùng kiểu loại, cùng mã hàng và thuộc cùng doanh nghiệp được cấp Mã số tân trang, sau 03 lần được cấp giấy phép nhập khẩu theo lô hàng (cho cùng một thương nhân nhập khẩu hoặc cho các thương nhân nhập khẩu khác nhau), sẽ được chuyển sang chế độ giấy phép nhập khẩu có thời hạn. Giấy phép nhập khẩu có thời hạn không hạn chế số lượng hàng hóa tân trang nhập khẩu theo giấy phép trong thời hạn hiệu lực của giấy phép.
Để được cấp Giấy phép nhập khẩu hàng hóa tân trang thì doanh nghiệp nhập khẩu sẽ cần chuẩn bị hồ sơ như sau:
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu hàng hóa tân trang.
- Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Văn bản của doanh nghiệp được cấp Mã số tân trang xác nhận hàng hóa tân trang nhập khẩu theo Đơn đề nghị của thương nhân là hàng hóa đã được doanh nghiệp này đăng ký khi đề nghị cấp Mã số tân trang (01 bản chính kèm theo bản dịch tiếng Việt nếu ngôn ngữ sử dụng tại bản chính không phải là tiếng Việt, được ký xác thực bởi đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp được cấp Mã số tân trang).
- Báo cáo tình hình nhập khẩu hàng hóa tân trang theo giấy phép đã được cấp trước đó theo mẫu.
Trường hợp hàng hóa nhập khẩu mới cùng chủng loại với hàng hóa tân trang đang được quản lý nhập khẩu theo hình thức giấy phép hoặc các hình thức khác đòi hỏi phải có sự chấp thuận hoặc ghi nhận của cơ quan quản lý trước khi nhập khẩu, thương nhân phải nộp bổ sung các tài liệu, chứng từ khác mà chế độ quản lý đó quy định, nếu có.
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép thông báo bằng văn bản cho thương nhân để bổ sung, hoàn thiện. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, cơ quan cấp giấy phép xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu hàng hóa tân trang cho thương nhân. Trường hợp không cấp, cơ quan cấp giấy phép có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
4. Lưu ý gì về thủ tục hải quan khi nhập khẩu hàng hóa tân trang
Ngoài thủ tục hải quan theo quy định, thương nhân nhập khẩu hàng hóa tân trang nộp hoặc xuất trình cho cơ quan Hải quan các văn bản sau:
- Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định CPTPP (nộp hoặc xuất trình theo quy định pháp luật)
- Giấy phép nhập khẩu hàng hóa tân trang hoặc văn bản cho phép nhập khẩu hàng hóa tân trang khi Mã số tân trang bị đình chỉ hoặc thu hồi (xuất trình bản chính).
- Các loại chứng từ, tài liệu cần thiết khác mà pháp luật Việt Nam và pháp luật chuyên ngành quy định áp dụng cho hàng hóa mới cùng chủng loại khi thực hiện thủ tục hải quan nhập khẩu (nộp hoặc xuất trình theo quy định pháp luật).
Chính phủ cũng ban hành danh mục các hàng hóa tân trang thuộc sự quản lý của các cơ quan quản lý chuyên ngành, cụ thể như:
- Danh mục hàng hóa tân trang thuộc phạm vi quản lý của bộ thông tin và truyền thông: Máy in sử dụng các bộ phận in như khuôn in (bát chữ), ống in và các bộ phận in khác của nhóm 84.42; máy in khác, máy copy (copying machines) và máy fax, có hoặc không kết hợp với nhau; Máy tính và các máy ghi; tai nghe, thiết bị Micro; đèn điện tử …
- Danh mục hàng hóa tân trang thuộc phạm vi quản lý của bộ y tế: thiết bị và dụng cụ dùng cho ngành y, phẫu thuật, nha khoa hoặc thú y, kể cả thiết bị ghi biểu đồ nhấp nháy, thiết bị điện y học khác và thiết bị kiểm tra thị lực; Thiết bị trị liệu cơ học; máy xoa bóp …
- Danh mục hàng hóa tân trang thuộc phạm vi quản lý của bộ giao thông vận tải: Động cơ đốt trong kiểu piston chuyển động tịnh tiến hoặc kiểu piston chuyển động quay đốt cháy bằng tia lửa điện; Thiết bị chiếu sáng hoặc thiết bị tín hiệu hoạt động bằng điện (trừ loại thuộc nhóm 85.39), gạt nước, gạt và chống tạo sương và tuyết trên kính chắn, loại dùng cho xe đạp hoặc xe có động cơ …
- Danh mục hàng hóa tân trang thuộc phạm vi quản lý của bộ công thương: Máy điều hòa không khí, gồm có một quạt chạy bằng mô tô và các bộ phận làm thay đổi nhiệt độ và độ ẩm, kể cả loại máy không điều chỉnh độ ẩm một cách riêng biệt; Máy giặt gia đình hoặc trong hiệu giặt, kể cả máy giặt có chức năng sấy khô; Thiết bị ghi hoặc tái tạo video, có hoặc không gắn bộ phận thu tín hiệu video …
- Danh mục hàng hóa tân trang thuộc phạm vi quản lý của bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn: tàu thuyền đánh bắt thủy sản; tàu chế biến và các loại tàu khác dùng cho chế biến hoặc bảo quản thủy sản đánh bắt.
Doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa tân trang cần lưu ý việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam như đang được áp dụng đối với hàng nhập khẩu mới cùng chủng loại, trong đó, tùy theo trường hợp cụ thể, có các quy định về nhãn hàng hóa; điều kiện kinh doanh; chất lượng sản phẩm; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hiệu suất năng lượng; an toàn bức xạ; an toàn thông tin mạng; đo lường; bảo vệ môi trường; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và quy định pháp luật khác. Bên cạnh đó trước ngày 30 tháng 01 hàng năm, báo cáo cơ quan cấp giấy phép và Bộ Công Thương bằng văn bản theo phương thức gửi trực tiếp hoặc dịch vụ bưu chính về tình hình nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định CPTPP của năm trước đó.
Thời gian viết bài: 21/11/2023
Bài viết ghi nhận thông tin chung có giá trị tham khảo, trường hợp bạn mong muốn nhận ý kiến pháp lý liên quan đến các vấn đề mà bạn đang vướng mắc, bạn vui lòng liên hệ với Luật sư của chúng tôi theo email info@cdlaf.vn
Vì sao chọn dịch vụ CDLAF
- Chúng tôi cung cấp đến bạn giải pháp pháp lý hiệu quả và toàn diện, giúp bạn tiết kiệm ngân sách, duy trì sự tuân thủ trong doanh nghiệp;
- Chúng tôi tiếp tục duy trì việc theo dõi vấn đề pháp lý của bạn ngay cả khi dịch vụ đã hoàn thành và cập nhật đến bạn khi có bất kỳ sự thay đổi nào từ hệ thống pháp luật Việt Nam;
- Hệ thống biểu mẫu về doanh nghiệp, đầu tư được xây dựng và cập nhật liên tục sẽ cung cấp khi khách hàng yêu cầu, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục;
- Doanh nghiệp cập nhật kịp thời các chính sách và phương thức làm việc tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Đội ngũ Luật sư của CDLAF nhiều năm kinh nghiệm hoạt động tại lĩnh vực Lao động, Doanh nghiệp, Đầu tư cùng với các cố vấn nhân sự, tài chính;
- Quy trình bảo mật thông tin nghiêm ngặt trong suốt quá trình thực hiện dịch vụ và ngay cả khi dịch vụ được hoàn thành sau đó;
Bạn có thể tham thảo thêm:
- Công ty mẹ, Công ty con và những điều cần lưu ý
- Những quy định mới nhất về khoản vay nước ngoài 2023
- Thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu theo quy định mới nhất
- Lưu ý gì khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trong kinh doanh
- Hướng dẫn Nhà đầu tư nước ngoài tra cứu ngành nghề kinh doanh theo biểu WTO
- 8 điểm mới quan trọng về Giấy phép lao động có hiệu lực kể từ ngày 18/9/2023
- Kiểm soát rủi ro khi đơn phương chấm dứt Hợp đồng kinh tế
- Chấm dứt hợp đồng lao động với cán bộ công đoàn