Quyền được ghi tên vào Sổ đăng ký cổ đông

Ngày cập nhật: February 1 , 2024

Quyền được ghi tên vào Sổ đăng ký cổ đông

Mô hình công ty cổ phần được xem là mô hình mà các cá nhân, tổ chức thực hiện kinh doanh tại Việt Nam thường lựa chọn để thành lập, điều này xuất phát từ sự linh hoạt trong việc chuyển nhượng cổ phần, tiếp nhận cổ đông mới cũng như sự đa dạng trong công cụ kêu gọi vốn. Tuy nhiên cũng chính sự linh hoạt này mà cụ thể là tự do chuyển nhượng cổ phần cũng gián tiếp gây ra một số khó khăn cho chính các cổ đông trong giao dịch mua bán cổ phần. Chúng ta có thể thấy, nếu doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty TNHH, việc chuyển nhượng vốn giữa các thành viên sẽ cần được thực hiện thêm một bước nữa là đăng ký thay đổi thông tin thành viên tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, với mô hình công ty cổ phần, sau 03 năm kể từ thời điểm thành lập, các cổ đông được tự do chuyển nhượng cổ phần và bên nhận chuyển nhượng sẽ chỉ trở thành cổ đông công ty khi thông tin của họ được ghi nhận vào Sổ đăng ký cổ đông, và không thực hiện thủ tục thay đổi thông tin tại cơ quan đăng ký kinh doanh (trừ trường hợp cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài).
Thực tế cho thấy, không ít cá nhân, tổ chức không để ý việc thông tin của mình đã được ghi vào Sổ đăng ký cổ đông hay chưa, hoặc cũng có trường hợp công ty không thực hiện trách nhiệm ghi nhận tư cách cổ đông cho bên nhận chuyển nhượng cổ phần, dẫn đến mất đi quyền lợi mà đáng lý ra bên nhận chuyển nhượng được nhận theo quy định của pháp luật. Vì vậy thông qua bài viết này chúng tôi muốn thông tin đến các bạn các vấn đề liên quan đến Sổ đăng ký cổ đông và quyền của cổ đông trong việc yêu cầu doanh nghiệp phải ghi nhận tên vào Sổ đăng ký cổ đông.
.

Source: pexels-pixabay

1. Sổ đăng ký cổ đông và sự ảnh hưởng đến quyền lợi của bên nhận chuyển nhượng

Sổ đăng ký cổ đông hiểu một cách đơn giản thì đó là văn bản ghi nhận ghi nhận các thông tin về sở hữu cổ phần của các cổ đông trong công ty. Tất cả những biến động về thông tin cổ đông, số lượng cổ phần nắm giữ, loại cổ phần …sẽ được ghi nhận tại sổ đăng ký cổ đông và cập nhật khi có bất kỳ nội dung nào thay đổi, và sổ đăng ký cổ đông có thể được lập dưới hình thức là văn bản giấy hoặc tập dữ liệu điện tử.
Với các cổ đông sáng lập thì thông tin của cổ đông được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tuy nhiên với các thay đổi về cổ đông sau thời gian 03 năm tính từ thời điểm thành lập, thì việc thay đổi về cổ đông sẽ không được cập nhật lên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, mà theo quy định sẽ được ghi nhận vào sổ đăng ký cổ đông. Nói như vậy để chúng ta thấy rằng không nên xem nhẹ việc thông tin của cổ đông đã được ghi nhận vào sổ đăng ký cổ đông hay chưa. Điển hình có thể thấy pháp luật doanh nghiệp ghi nhận rõ rằng, bên nhận chuyển nhượng chỉ được xem là cổ đông của công ty khi mà thông tin của bên nhận chuyển nhượng cổ phần được ghi nhận vào sổ đăng ký cổ đông như quy định tại Khoản 6 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể:
“Điều 127. Chuyển nhượng cổ phần
……
6. Cá nhân, tổ chức nhận cổ phần trong các trường hợp quy định tại Điều này chỉ trở thành cổ đông công ty từ thời điểm các thông tin của họ quy định tại khoản 2 Điều 122 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông.”

Và với quy định nêu trên có thể thấy ngay cả khi các bên trong giao dịch chuyển nhượng đã xác lập hợp đồng và hoàn tất thanh toán thì tư cách cổ đông của bên nhận chuyển nhượng chỉ được xác lập khi được công ty ghi nhận vào sổ đăng ký cổ đông. Khi tư cách cổ đông của bên nhận chuyển nhượng phát sinh thì các quyền của cổ đông như quyền tham gia họp Đại hội đồng cổ đông, nhận cổ tức, kiểm tra sổ sách … mới hình thành. Với công ty mà số lượng cổ đông nhiều và cổ đông cũng vì lý do nào đó quên đi việc phải yêu cầu công ty ghi nhận tư cách cổ đông của mình thì việc cổ đông bị mất đi quyền lợi là thường xảy ra.

2. Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc ghi nhận thông tin cổ đông như thế nào?

Sổ đăng ký cổ đông sẽ do công ty quản lý và công ty có trách nhiệm ghi nhận tư cách cổ đông của bên nhận chuyển nhượng vào sổ đăng ký cổ đông trong thời gian 24 giờ kể từ thời điểm cổ đông có yêu cầu. Giao dịch chuyển nhượng cổ phần sau thời gian 03 năm được xem là tự do thực hiện không phụ thuộc vào sự đồng ý của công ty. Chính vì vậy trên thực tế sẽ có không ít trường hợp công ty không thiện chí hoặc vì bất kỳ mẫu thuẫn riêng nào mà từ chối không ghi nhận tư cách của cá nhân, tổ chức nhận chuyển nhượng.

Ngay khi nhận thấy việc thông tin của mình chưa được ghi nhận vào Sổ đăng ký cổ đông, bên nhận chuyển nhượng cần ngay lập tức có văn bản thông báo đến công ty để yêu cầu công ty cập nhật các thông tin của bên nhận chuyển nhượng vào Sổ đăng ký cổ đông. Nội dung văn bản cần đặt ra một giới hạn về thời gian mà công ty phải hoàn tất việc ghi nhận thông tin vào Sổ đăng ký cổ đông, quá thời gian này bên nhận chuyển nhượng tùy từng trường hợp để lựa chọn việc tiếp tục có văn bản đề nghị sự hỗ trợ từ phía cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc khởi kiện tại Tòa án. Thủ tục khởi kiện tại Tòa án thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, và không có sự khác biệt cho trường hợp này.

3. Thực tế giải quyết tại cơ quan tố tụng và lời khuyên dành cho cổ đông

Thực tế qua các vụ án mà tòa án đã xét xử cho thấy Tòa án không chỉ dựa trên các tài liệu do công ty cung cấp mà còn dựa trên bản chất của các giao dịch, để xem xét quyền lợi của các bên trong giao dịch chuyển nhượng cổ phần cũng như quyền lợi của cổ đông. Chúng ta có thể tham khảo quan điểm của Tòa án tại Bản án số 11/2022/KDTM-PT ngày 28 – 02 – 2022 của Tòa án nhân dân cấp cao khi đi xem xét lại Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2021/KDTM -ST ngày 08 tháng 01 năm 2021 của Toà án nhân dân tỉnh Bình Dương bị kháng cáo, liên quan đến “Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty”. Theo đó, Tòa án nhân dân cấp cao sau quá trình xem xét lại vụ án đã đồng ý với quan điểm giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm liên quan đến xác định tư cách cổ đông, quyền lợi cổ đông được hưởng đồng thời buộc công ty phải ghi nhận tư cách của bên nhận chuyển nhượng vào sổ đăng ký cổ đông, trích dẫn phần phán quyết của Tòa án cấp phúc thẩm như sau:

“1. Đình chỉ xét xử các yêu cầu sau của nguyên đơn bà Vương Lệ X đối 12 với Công ty Cổ phần T1:

 – Buộc Công ty Cổ phần T1 phải trả cổ tức cho bà Vương Lệ X với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông;

– Buộc Công ty Cổ phần T1 cho bà Vương Lệ X xem xét, tra cứu và trích lục các thông tin trong Danh sách cổ đông có quyền biểu quyết; Xem xét, tra cứu, trích lục và sao chụp Điều lệ công ty, biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông từ thời điểm ngày 05/12/2017 đến nay.

– Triệu tập đại hội cổ đông họp để bầu lại thành viên Hội đồng quản trị công ty theo đúng quy định pháp luật.

– Yêu cầu cung cấp cho Cổ đông Công ty Cổ phần T1 Tân báo cáo tài chính của doanh nghiệp trong các năm 2017 cho đến nay.

2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Vương Lệ X đối với Công ty Cổ phần T1 về việc công nhận tư cách cổ đông như sau:

– Công nhận bà Vương Lệ X là cổ đông Công ty Cổ phần T1 với số cổ phần 782.180 cổ phần trong Công ty Cổ phần T1.

– Buộc Công ty Cổ phần T1 phải trao cổ phiếu hoặc ghi nhận thông tin của bà Vương Lệ X vào sổ đăng ký cổ đông theo đúng quy định của pháp luật về doanh nghiệp và Ðiều lệ Công ty với số lượng cổ phần sở hữu là 782.180 cổ phần.”

Các vấn đề liên quan đến Sổ đăng ký cổ đông nêu trên thường phát sinh nhiều tại các công ty cổ phần có quy mô nhỏ và giữa các cổ đông hay các bên trong giao dịch chuyển nhượng là những bên có mối quan hệ thân thiết, quen biết lẫn nhau. Chính điều này dẫn đến việc một số trường hợp bên nhận chuyển nhượng cổ phần đã bỏ qua việc kiểm tra các thông tin của mình trên Sổ đăng ký cổ đông, và mặc định mình là cổ đông sở hữu cổ phần trong công ty. Bên nhận chuyển nhượng cũng dựa trên sự hiểu biết này để thực hiện các giao dịch chuyển nhượng cổ phần cho bên thứ ba khác, nhưng lại không hiểu rằng tại thời điểm chuyển nhượng cho bên thứ ba họ chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được xem là cổ đông công ty. Khi tranh chấp xảy ra, các vấn đề về việc xem xét hợp đồng chuyển nhượng cổ phần có bị vô hiệu không?, quyền lợi của cổ đông không được ghi tên trong sổ đăng ký cổ đông và cả quyền lợi của bên thứ ba nhận chuyển nhượng sau này sẽ được giải quyết như thế nào? …mới được các bên bàn đến và yêu cầu cơ quan tố tụng giải quyết khi không đạt được sự đồng thuận với công ty.

Chính vì vậy, lời khuyên dành cho các bên khi tham gia vào giao dịch chuyển nhượng cổ phần là hãy kiểm tra tư cách cổ đông của bên chuyển nhượng và sau khi xác lập hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, bên nhận chuyển nhượng cũng cần giám sát việc công ty ghi nhận tư cách cổ đông của chính bên nhận chuyển nhượng vào Sổ đăng ký cổ đông và các văn bản nội bộ của công ty.

Cơ sở pháp lý:

  • Khoản 6 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020

Nguồn tham khảo:

  • Bản án số 11/2022/KDTM-PT ngày 28 – 02 – 2022 của Tòa án nhân dân cấp cao

Thời gian viết bài: 17/01/2024

Bài viết ghi nhận thông tin chung có giá trị tham khảo, trường hợp bạn mong muốn nhận ý kiến pháp lý liên quan đến các vấn đề mà bạn đang vướng mắc, bạn vui lòng liên hệ với Luật sư của chúng tôi theo email info@cdlaf.vn

Vì sao chọn dịch vụ CDLAF

  • Chúng tôi cung cấp đến bạn giải pháp pháp lý hiệu quả và toàn diện, giúp bạn tiết kiệm ngân sách, duy trì sự tuân thủ trong doanh nghiệp;
  • Chúng tôi tiếp tục duy trì việc theo dõi vấn đề pháp lý của bạn ngay cả khi dịch vụ đã hoàn thành và cập nhật đến bạn khi có bất kỳ sự thay đổi nào từ hệ thống pháp luật Việt Nam;
  • Hệ thống biểu mẫu về doanh nghiệp, đầu tư được xây dựng và cập nhật liên tục sẽ cung cấp khi khách hàng yêu cầu, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục;
  • Doanh nghiệp cập nhật kịp thời các chính sách và phương thức làm việc tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Đội ngũ Luật sư của CDLAF nhiều năm kinh nghiệm hoạt động tại lĩnh vực Lao động, Doanh nghiệp, Đầu tư cùng với các cố vấn nhân sự, tài chính;
  • Quy trình bảo mật thông tin nghiêm ngặt trong suốt quá trình thực hiện dịch vụ và ngay cả khi dịch vụ được hoàn thành sau đó;

Bạn có thể tham thảo thêm:

    GỬI YÊU CẦU TƯ VẤN









    error: Content is protected !!